Ngày 5/4, các đồng chí: Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Hoàng Văn Trà, Phó bí thư Tỉnh ủy, đi khảo sát tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Đông Hòa - Tây Hòa. Cùng đi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, có lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lãnh đạo 2 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
Dự án Tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Đông Hòa - Tây Hòa có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 40km, được thiết kế theo đường giao thông cấp IV - miền núi. Bề rộng nền đường 7,5m, mặt đường rộng 5,5m bằng bê tông xi măng, tải trọng 10 tấn/trục. Trong đó, tận dụng đoạn tuyến 1.380m đường nội thị và 8.943m đã được đầu tư đường bê tông xi măng với nguồn vốn JICA. Điểm đầu: Km0+00 (giao với quốc lộ 1 - ngã ba Cây Bảng, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa); điểm cuối: Km40+256,89 (giáp quốc lộ 29, thuộc huyện Tây Hòa). Hướng tuyến chủ yếu bám theo tuyến đường cũ hiện có, đi qua các xã Hòa Xuân Tây, Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa), Hòa Tân Tây, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa); điều chỉnh các đoạn cong phù hợp với cấp đường. Toàn tuyến có 2 cây cầu được xây mới tại Km11+068,36; Km15+124,73 (cầu dầm bản dự ứng lực 1 nhịp 24m) và tại Km19+242,88 (cầu dầm dự ứng lực 3 nhịp 133m); tải trọng thiết kế HL93. Tổng mức đầu tư dự án gần 300 tỉ đồng. Dự kiến đất thu hồi để phục vụ dự án là 29,86ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ 49.000m2, đất hoa màu 37.300m2, đất trồng cây lâu năm 37.500m2, đất đường cũ và đất công 174.800m2.
Cùng với tăng cường khả năng cơ động lực lượng, phương tiện quốc phòng trong thế trận phòng thủ khu vực, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với các tình huống khi có chiến tranh xảy ra, tuyến đường này sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, khu vực xây dựng công trình nói riêng. Đồng thời là bước hoàn thiện hệ thống giao thông trong vùng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân huyện Đông Hòa và Tây Hòa.
Qua khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự đề nghị chủ đầu tư (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) và đơn vị thiết kế cần tính toán kỹ việc chỉnh tuyến, nắn tuyến sao cho hạn chế thấp nhất việc đền bù, giải tỏa. Việc giải tỏa, đền bù phải làm theo đúng quy định, có dự phòng 15-20%. Đồng thời phải đặc biệt chú ý đến chất lượng công trình, nhất là công trình cầu và an toàn giao thông. Lãnh đạo 2 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và các ngành liên quan, theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình cũng phải có tính toán, tham gia hoàn chỉnh dự án trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
XUÂN HIẾU