Ngày 23/2, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), theo đề nghị của Trung Quốc, nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: "Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Suy ngẫm về lịch sử, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, cùng nhiều quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc và đông đảo đại diện các quốc gia thành viên đã tham dự phiên thảo luận, với 78 bài phát biểu về chủ đề trên, trong đó có 13 vị bộ trưởng đến từ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, khẳng định Việt Nam luôn cam kết và hành động phù hợp với các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời luôn có những đóng góp tích cực và xây dựng trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh sự ra đời của Liên Hợp Quốc cùng Hiến chương Liên Hợp Quốc là một bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc tế, góp phần giúp giảm thiểu xung đột, thúc đẩy hợp tác phát triển, bảo vệ và phát huy quyền con người, tăng cường luật pháp quốc tế...
Tuy nhiên, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền vẫn tiếp diễn như hiện nay, cộng đồng quốc tế, các nước thành viên Liên Hợp Quốc cần tăng cường và hiện thực hóa cam kết đối với các nguyên tắc quan trọng của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó có các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Điều đó cần được triển khai bằng các hành động cụ thể, trong đó có việc xây dựng, tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực về ứng xử giữa các quốc gia. Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác nhằm thúc đẩy việc xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kể cả tranh chấp tại biển Đông, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Theo TTXVN, Vietnam+