Thứ Tư, 06/11/2024 02:14 SA
Học Bác về phẩm chất của người cách mạng
Chủ Nhật, 03/06/2007 07:11 SA

Một trong những đức tính đòi hỏi phải có ở người cán bộ cách mạng mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở là: không nên tự mãn,tự kiêu, tự ti; phải thường xuyên học hỏi, cầu tiến bộ.

 

Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Người đã phê phán thực trạng “…Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại , khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”, “…tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ… Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình…Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại” - đó chính là những căn bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, tham lam. Theo Người, đã là người cán bộ cách mạng thì phải biết khiêm tốn, cầu thị, cầu tiến bộ, ham học hỏi: “Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Đối với đồng chí mình… học cái hay, sửa chữa cái dở…”(1); tư cách của một người cách mạng là: “Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nhẫn nại chịu khó. Hay nghiên cứu xem xét…”(2).

 

Mẩu chuyện “Chủ tịch nước nhờ người sửa bài viết của mình”  thể hiện một cách sinh động đức tính khiêm tốn, cầu thị của Hồ Chủ Tịch: Cụ Nguyễn Văn Tố nguyên là Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ từ trước Cách mạng tháng Tám 1945; sau cách mạng, được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời, là đại biểu Quốc hội khóa I, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư, rồi cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Tháng 5/1948, cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc bắt và sát hại. Nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết “Lời truy điệu cụ Tố” và kèm bức thư sau đây gởi tới cụ Bùi Bằng Đoàn, một nhà Nho học nhờ đọc và “Nếu có thể sửa thì xin cụ sửa giùm”. Nguyên văn bức thư đó như sau:”Kính gửi cụ Bùi,Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế. Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai, vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem. Mong kỳ Hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khỏe và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi. Chào thân ái và quyết thắng” (5/1948, Hồ Chí Minh)(3).

 

TS. LÊ VĂN ĐÍNH

(Học viện Chính trị khu vực III)

-----------------

(1) Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 20/2/1947. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 1995. Tập 5, tr 54-55.

(2) Đường Kách mệnh năm 1927. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội 1995. Tập 2, tr 260.

(3) Chuyện dùng người Xưa và Nay. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội 1997, tr 17-18.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek