Những năm còn học cấp hai, cậu học trò Diệp Văn Hợi (SN 1983, ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) mơ được trở thành giáo viên. Tưởng đâu chỉ là khát vọng nhưng giờ cậu đã trở thành một thầy giáo dạy Lịch sử giỏi.
BÉN DUYÊN NGHIỆP GIÁO
Dù trường cách xa nhà nhưng được đến lớp, nghe thầy cô giảng bài, vui đùa cùng các bạn là điều hạnh phúc nhất của Hợi từ những ngày thơ bé. Khi được hỏi vì sao lại theo đuổi nghề này, thầy bồi hồi nhớ đến những người đã ươm mơ ước ấy: “Khi nhập học, vì nhà nghèo nên tôi được hai giáo viên trong trường tận tình giúp đỡ, chỉ bảo. Gia đình thầy cô không khá giả nhưng thương yêu, lo lắng cho tôi từng việc nhỏ nhất. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực vượt qua những khó khăn và quyết tâm trở thành giáo viên như thầy cô tôi”.
Năm 2003, Hợi bước vào cánh cửa đại học trong cảnh nhà thắt ngặt, không có được nhiều sự trợ cấp từ cha mẹ. Để trụ vững 4 năm đại học ở Đà Lạt, anh đi làm thêm ở nông trại trồng sú, trồng hoa, đến phụ hồ. Những đêm về muộn, đi trong cái rét buốt ở Đà Lạt, toàn thân rã rời vì vất vả nhưng Hợi vẫn nung nấu với nghiệp tương lai.
Những năm mới về Trường THCS Hòa Hội, dù cuộc sống thiếu thốn nhưng được về công tác ở ngôi trường đã học trước đây, được đồng hành với thầy cô - giờ là đồng nghiệp - người đã ươm mầm ước mơ là hạnh phúc lớn nhất của thầy Hợi. Lúc đứng trên bục giảng, thầy nhận ra rằng, bao năm qua, khao khát làm nghề của mình chưa bao giờ sai.
“Thấy tôi đạp xe đường xa vất vả, các giáo viên trong trường góp tiền mua tặng tôi một chiếc xe máy cũ”, kể đến đó, mắt thầy trầm xuống. Dù chỉ là một chiếc xe cũ nhưng đối với thầy, tấm lòng của đồng nghiệp không lời nào nói hết. Thầy Hợi lại dặn lòng phải sống thật tốt, dạy thật giỏi.
Gánh mưu sinh trên vai người thầy giáo trẻ nặng hơn khi thầy Hợi lập gia đình và cha mẹ già. Sau giờ lên lớp, vợ chồng thầy lại tất bật đi trồng sắn, chặt mía, cắt lúa thuê. Sau những giờ làm việc vất vả, thầy lại chăm chút cho từng trang giáo án. Với thầy, bây giờ con gái An Di là một động lực, niềm hạnh phúc để thầy cố gắng làm tròn vai.
TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ
Thầy Diệp Văn Hợi hai lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm học 2010-2011 và 2012-2013. Càng đặc biệt hơn nữa khi thầy là giáo viên đầu tiên ở trường này bồi dưỡng thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử đạt giải nhất. 4 năm nay, năm nào học sinh của thầy cũng đạt giải cấp huyện. Đó là điều khích lệ thầy nhiều nhất. Năm học này, cô học trò “ruột” Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 9A2, Trường THCS Hòa Hội, huyện Phú Hòa) đã xuất sắc giành giải nhất môn Lịch sử cấp huyện. Năm nào, thầy Diệp Văn Hợi cũng được Phòng GD-ĐT huyện mời bồi dưỡng học sinh giỏi thi cấp tỉnh.
Về tình trạng học sinh không hứng thú với môn Lịch sử, thầy Hợi phân tích: “Phần lớn học sinh bây giờ chỉ thích tìm hiểu những gì hiện đại, không mặn mà với những gì trong quá khứ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần là do cách truyền đạt của giáo viên. Nếu cố ép học sinh học một cách máy móc thì sẽ không hiệu quả”. Vì vậy, thầy ra sức nghiên cứu những phương pháp giảng dạy hấp dẫn, sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. “Tôi tìm tòi những giai thoại trong mỗi sự kiện lịch sử và cố gắng kể lại những sự kiện đó một cách hào hùng và khéo léo lồng những kiến thức bài học để học sinh dễ nhớ, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, tôi chỉ dạy những kiến thức cốt lõi để học trò dễ nhớ, dễ ngấm”, thầy bộc bạch.
Phạm Thị Phương Như, học sinh lớp 9A2, cho biết: “Trước đây, em không thích học môn Lịch sử vì có nhiều điều phải nhớ, phải thuộc. Nhưng từ khi được học thầy Hợi, em dần được chinh phục bởi những câu chuyện thú vị, sinh động thầy kể. Em cũng thích cách thầy kiểm tra bài cũ, không máy móc mà chỉ hỏi những nội dung chính của bài học. Những điều này chúng em đã nhớ ngay lúc nghe thầy kể chuyện rồi”. Khi hỏi về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy mỉm cười trả lời: “Học sự kiện mới, tôi liền nhắc đến sự kiện đã học, rồi cùng các em so sánh, phân tích, chứng minh, nhận xét và đánh giá. Làm theo quy trình như vậy, học sinh sẽ nhớ lâu và nhớ rất sâu”.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, thầy Diệp Văn Hợi còn là bí thư chi đoàn, đảng viên tiêu biểu của Trường THCS Hòa Hội. Thầy Nguyễn Văn Lanh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thầy Hợi luôn nhiệt tình, tận tụy với nghề. Thầy biết cách cân bằng hài hòa giữa cuộc sống và hoài bão nghề nghiệp của mình để tâm huyết đầu tư cho giảng dạy. Thầy trò trường chúng tôi đều rất tự hào về thầy”.
PHAN MAI THƯ NHÃ