Thứ Hai, 07/10/2024 00:22 SA
Đảng với dân như cá với nước
Thứ Bảy, 24/01/2015 10:04 SA

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn trong quá trình cách mạng Việt Nam, trong đó có bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử”(1).

 

Các bậc hiền nhân, những người hiền tài xưa nay đều xem sức mạnh của dân là to lớn quyết định lịch sử. Sự gắn bó trong quan hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân được Bác Hồ ví như quan hệ giữa người “chèo” với người “cầm lái” trên con thuyền cách mạng. Cán bộ, đảng viên là người “cầm lái”, còn nhân dân là người “chèo”. Nếu người “chèo” ủng hộ người “cầm lái” là thành công. Ngược lại, người “chèo” không ủng hộ người “cầm lái”, không tuân thủ người “cầm lái”, hoặc mỗi người chèo một ngả, như vậy là cán bộ, đảng viên thất bại. Đứng trên lập trường Mác xít, xuất phát từ mục đích cao cả của cách mạng, Đảng ta và Hồ Chí Minh đánh giá cao và đúng đắn vai trò và vị trí quyết định của nhân dân.

 

Hồ Chí Minh xác định: Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại nhất của dân tộc, Đảng - dân là mối quan hệ tự thân, máu thịt, hữu cơ, thống nhất. Ở đó, dân là “gốc” của nước, là nguồn sức mạnh, là lực lượng to lớn của Đảng, của cách mạng. Đảng và trí tuệ của Đảng đều bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ khát vọng và trí tuệ của dân. Mối quan hệ đó được thể hiện trên những phương diện sau:

 

Một là, mọi hoạt động của Đảng phải lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ, lấy cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc của nhân dân làm niềm hạnh phúc của mình. Đảng phải thực sự tỏ rõ mình là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp, của nhân dân lao động và của dân tộc.

 

Hai là, Đảng phải chủ động gần dân, tin dân, học hỏi dân. Đây là thái độ chân thành và một phương pháp đúng đắn, sinh động. Người dặn: “Mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải gần gũi nhân dân; ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân; học hỏi nhân dân; lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân” (2). “Bốn điều ấy phải đi song hành với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân” (3).

 

Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, “ra lệnh, ra oai”, phải “khiêm tốn, không được kêu ngạo”, “phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân”, phải “tin tưởng lực lượng vĩ đại và đầu óc thông minh của quần chúng”, phải lắng nghe, hoan nghênh và tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của dân, chủ động sửa chữa những sai lầm khuyết điểm. Chỉ có như vậy mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới xứng đáng và làm tròn nhiệm vụ của người lãnh đạo.

 

Ba là, về tư cách của Đảng và của nhân dân trong mối quan hệ này. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng” là lãnh đạo và đầy tớ, công bộc của dân qua 12 điều; và Người kết luận: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào”.

 

Nhân dân trong mối quan hệ này, theo Hồ Chí Minh, là lực lượng làm nên cách mạng. Tất cả là do dân, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Quyền ở đây chính là sự quyết định lựa chọn con đường phát triển tương lai cho dân tộc mình mà các đảng phái chính trị, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra. Dân là chủ thể sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đảng sinh ra trong lòng dân tộc; trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng luôn được dân chăm sóc, góp ý xây dựng, kiểm tra, đôn đóc. Ở đây, dân còn có tư cách đặc biệt là lực lượng vĩ đại để hiện thực hóa đường lối của Đảng vạch ra. Dân không làm thì đường lối của Đảng dù tốt đẹp đến đâu cũng chỉ dừng lại ý tưởng mà thôi.

 

Kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng đảng cho thấy, chỉ trên cơ sở Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì cách mạng mới đi đến thành công. Ngược lại, ở đâu và lúc nào Đảng và cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời nhân dân, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(4). Hiện nay, khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” (5), để xứng đáng là người lãnh đạo xã hội, và muốn giữ vững được vị trí đối với dân tộc thì trong thời gian đến việc rèn luyện tư cách đảng viên, phẩm chất người cán bộ cách mạng theo tư tưởng của Bác là vấn đề rất cần thiết. Bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ngày 12/1/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

 

Trong thời gian qua, “một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”(6). Từ thực tiễn đó, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên trong thời gian tới cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm: Sự nghiệp cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phải nâng cao chất lượng hoạch định chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trước những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư và yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển. Muốn vậy, phải tăng cường hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thực tiễn 85 năm qua, kể từ ngày thành lập, nhờ có đường lối đúng của Đảng mà nhân dân Việt Nam đã tự nguyện đi theo Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lấy đó là niềm vinh dự, hạnh phúc “không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (Tố Hữu). Càng đi qua bao thác ghềnh, thách thức gay gắt, ác liệt, tiếng nói của Đảng, Bác Hồ càng được dân tin, dân theo. Vì vậy, cách mạng Việt Nam đã làm nên những điều kỳ vĩ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

 

NGUYỄN VĂN THANH

(1)- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H. 2011, trang 165.

(2), (3)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr. 88.

(4)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.286.

(5)- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 21.

(6)- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek