Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Nội vụ - bây giờ là Bộ Công an) là một trong những người đã từng nhiều năm bảo vệ Bác Hồ. Theo lời kể của ông, hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ phải luôn có ý thức tổ chức kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Không chỉ nói, mà Bác còn là người gương mẫu thực hiện việc này. Dưới đây là một câu chuyện như vậy.
Một hôm, chúng tôi theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.
Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon, bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Chúng tôi lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bèn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục, yêu cầu công an giao cảnh bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý, Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi:
Các cháu không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.
Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao cảnh bật đèn xanh để xe qua…
Câu chuyện nhỏ giản dị mà giàu ý nghĩa vừa kể trên theo hồi ức của thiếu tướng Phan Văn Xoàn gợi cho chúng ta nhớ lại một câu chuyện khác về Lênin – lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng tháng Mười Nga và cách mạng vô sản thế giới. Theo truyền tụng, trong một lần đi hớt tóc, thấy đông người, Lênin cũng lặng lẽ, kiên nhẫn ngồi chờ, đợi đến lượt mình, không lợi dụng cương vị lãnh tụ để đòi hỏi đặc quyền ưu tiên số một!
Liên hệ với thực tế hiện nay, có thể nói rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn thiếu gương mẫu trong tôn trọng, chấp hành kỷ cương, phép nước, luật lệ của cộng đồng, xã hội. Với trách nhiệm được giao, khi thi hành công vụ, có cán bộ tự tung tự tác vượt qua các quy định pháp luật và quy định của tổ chức Đảng, miễn sao thu được lợi riêng cho bản thân mình. Đến khi sự việc đổ bể, bị cơ quan chức năng “sờ gáy” thì mới ngụy biện rằng “do nhận thức hạn chế và trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ!”. Không những bản thân vị cán bộ thoái hóa, biến chất đó bị công lý trừng phạt, mà còn kéo theo bao hệ lụy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan, đồng nghiệp, đồng chí, gia đình, người thân. Có công dân, khi tham gia giao thông trên đường, không tuân thủ luật giao thông, tự ý lấn đường, phóng nhanh, vượt ẩu. Hậu quả là gây tai nạn cho mình, cho người vô tội khác, dẫn đến nhiều mất mát đau thương, tạo ra nhiều gánh nặng cho xã hội!
Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập, gương mẫu tôn trọng luật pháp và các quy định của xã hội là một yêu cầu đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết đối với mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vì có thực hiện được yêu cầu này thì đất nước mới đảm bảo phát triển bền vững. Ở cơ quan, thủ trưởng phải làm gương trong chấp hành pháp luật, nội quy, kỷ luật, quy chế đơn vị. Trong gia đình, cha mẹ phải đi đầu trong ứng xử các mối quan hệ. Trong nhà trường, thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo… Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xét cho cùng, chính là bắt đầu và thực hiện thật nghiêm túc ngay từ những việc rất nhỏ như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng thể hiện trong cuộc sống đời thường lúc sinh thời…
LÂM TRIẾT