Gần 10 năm gắn bó với vùng đất núi Sơn Hòa, kỹ sư, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) K. Subbaiah là một tấm gương sáng trong giới doanh nhân nước ngoài về tham gia các hoạt động xã hội, đồng hành làm ăn với nông dân Phú Yên.
NGƯỜI THẤU CẢM NÔNG DÂN
Ông K. Subbaiah - Ảnh: P.NAM |
Sinh ra trong gia đình nông dân ở một vùng quê Ấn Độ, cha từng là người trồng mía nên hơn ai hết, K. Subbaiah thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, túng quẫn đeo bám người nông dân mỗi khi mùa vụ tới và sau thu hoạch. Vì vậy, ông cho rằng người làm kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì không nên gây khó khăn, áp lực mà phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nông dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo, từ đó gắn bó bền vững với công ty. “Có họ, có mình, còn họ, còn mình. Niềm vui, cực khổ của họ cũng chính là của mình. Chính vì lẽ đó mà công ty mẹ ở Ấn Độ tin tưởng, mong muốn tôi tiếp tục ở lại Việt Nam để điều hành hai nhà máy đường cùng với người dân làm ăn hiệu quả”, ông K. Subbaiah cho biết.
Rời quê hương đã hơn 20 năm từ khi còn là một chàng trai, từng rong ruổi nhiều nơi trên đất Việt tìm hiểu vùng nguyên liệu sản xuất mía, cuối cùng ông quyết định dừng chân ở vùng đất núi Sơn Hòa, ven bờ sông Ba thơ mộng, góp phần mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành Mía đường Phú Yên. Nhà máy của công ty ông nằm trong tốp 5 các nhà máy đường làm ăn hiệu quả trong cả nước, ngày càng nâng cao đời sống người trồng mía. Trong đó, nhiều người đã trở thành tỉ phú với thu nhập từ cây mía hơn 1 tỉ đồng/vụ. Điển hình như ông Hà Châu Ánh ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. “Nếu không có Công ty KCP, đặc biệt là do ông K. Subbaiah điều hành, thì người trồng mía chúng tôi sẽ khó có kết quả như ngày hôm nay. Đây là ông giám đốc không quan cách, luôn gần gũi, lắng nghe, chia sẻ khó khăn với nông dân như người bạn”, ông Ðoàn Ðắc Miên ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, người có 10 ha mía, năng suất đạt gần 100 tấn/ha, mỗi năm thu lãi hơn 300 triệu đồng khẳng định.
Hoạt động của Công ty KCP tại Phú Yên đã góp phần thúc đẩy và ổn định tăng trưởng kinh tế - xã hội tại 41 xã thuộc 5 huyện, thị xã, tạo nguồn thu nhập chính cho gần 10.000 hộ nông dân với mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm, giải quyết việc làm ổn định cho 630 công nhân và làm lợi cho hàng nghìn hộ nông dân khác làm dịch vụ nông nghiệp, vận chuyển. Ngoài ra, bình quân hàng năm, KCP còn trích 4 tỉ đồng trên tổng lợi nhuận khoảng 1.000 tỉ đồng chung tay với chính quyền các địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội. Có thu nhập cao, đời sống ổn định, nông dân ngày càng gắn bó khăng khít với cây mía. Nhờ vậy mà hai nhà máy đường của KCP có vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ đường chất lượng cao tại Việt Nam. Khi được hỏi về bí quyết của sự thành công, ông K. Subbaiah tâm sự: Muốn nhà máy đứng vững và ngày càng phát triển, trước tiên phải coi trọng người trồng mía và đặt lợi ích, thu nhập của họ lên hàng đầu, từ việc tạo điều kiện đầu tư mở rộng diện tích, tăng năng suất, đến giải pháp thu mua, tiêu thụ sản phẩm sao cho hài hòa, đôi bên cùng có lợi. “Có nông dân trồng mía mới có nhà máy. Đây là những người quyết định cho sự sống còn của công ty trên đất Phú Yên, chứ không phải có nhà máy mới có người nông dân. Ngoài ra, Ban giám đốc công ty thường xuyên nhắc nhở công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nông vụ phải ăn nói hòa nhã, tận tình hướng dẫn bà con cách trồng mía năng suất cao và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi”, ông K. Subbaiah chia sẻ. Đây cũng chính là cách hiểu của ông về cụm từ “lấy dân làm gốc”, “đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân” và tinh thần học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
THIẾT THỰC LÀM THEO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Là người nước ngoài, nhưng ông K. Subbaiah cho rằng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc vận động có nhiều ý nghĩa, thiết thực cho mọi thành phần, đối tượng, kể cả những người làm kinh doanh. “Từ nhỏ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã được nghe về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lớn lên, sang Việt Nam, qua tìm hiểu, tôi nhận thấy Hồ Chí Minh có lối sống và phong cách hết sức giản dị, đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Tuy phương pháp đấu tranh có khác nhau, song ở Hồ Chí Minh và Mohandas Karamchand Gandhi, người anh hùng dân tộc Ấn Độ đều có cùng một chí hướng là đấu tranh đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Trên thế giới có rất ít những người như vậy. Vì thế, bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được tôi treo trang trọng với bức ảnh của Mohandas Karamchand Gandhi trong phòng làm việc để mọi người trong công ty thấy hàng ngày mà học tập và làm theo, ông K. Subbaiah khẳng định.
“Thành công trong kinh doanh, trong đó KCP chỉ chiếm 5%, còn lại là nhờ vào người nông dân và công nhân công ty. Hiểu được tư tưởng, mong muốn của Hồ Chủ tịch đối với người nông dân, tôi ý thức và luôn quý trọng, quan tâm đến người nông dân. Cái hay là ở Việt Nam không có sự phân tầng giữa người giàu và người nghèo như một số nước khác. Khi giành được độc lập, Đảng, Nhà nước Việt Nam càng chăm lo cho dân nhiều hơn”, ông K. Subbaiah nói.
Không những quan tâm đến đời sống, lợi ích của người nông dân, ông K. Subbaiah còn đặc biệt coi trọng đến công tác xây dựng tổ chức đảng trong công ty. Bí thư Tỉnh ủy Ðào Tấn Lộc cho rằng đến thời điểm này, trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Phú Yên thì KCP là đơn vị làm ăn hiệu quả nhất. Đầu tư của công ty rất phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh. Ở Phú Yên, hiếm có doanh nghiệp nào dành hàng trăm tỉ đồng xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh. “Công ty KCP là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đề nghị địa phương tạo điều kiện cho thành lập chi bộ đảng vào cuối năm 2010. Ban đầu, chi bộ có 11 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 21 đảng viên. Ngoài việc quản lý, làm ăn có hiệu quả, ông K. Subbaiah còn rất quan tâm, ủng hộ nhiệt tình đến các hoạt động phong trào, đoàn thể. Hiện các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh đều hoạt động khá mạnh. Đây là điều đặc biệt ở một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc cho biết.
Năm 2013, ông K. Subbaiah được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích góp phần tăng cường hoạt động hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ấn Ðộ. Đồng thời, ông còn được nhận nhiều bằng khen của tỉnh.
PHƯƠNG NAM