Trong không khí sôi nổi của cả nước lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2014), hôm nay, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Vũng Rô, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ tàu Không số (28/11/1964-28/11/2014), nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; tri ân và tôn vinh đồng chí, đồng bào về công lao to lớn, sự hy sinh cao cả khi làm nhiệm vụ mở bến Vũng Rô, đón tàu, tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam Trung Bộ.
Lãnh đạo tỉnh thả vòng hoa kính viếng các anh hùng, liệt sĩ - Ảnh: D.T.XUÂN |
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta vô cùng xúc động, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta - Người anh hùng giải phóng dân tộc - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - Người suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Chúng ta thành kính tưởng nhớ đến đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nói tới những chiến công của quân và dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược không thể không nhắc đến chiến công tại bến Vũng Rô, bởi nó gắn liền với con đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển, cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đã trở thành biểu tượng sáng ngời, vinh quang của cả dân tộc, hiện thân của ý chí và khát vọng đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà của quân và dân ta. 50 năm đã qua, nhưng sự kiện về những chuyến tàu Không số vượt qua mưa bom, bão đạn, sóng gió, vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa, vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam vào bến Vũng Rô luôn là kỳ tích hào hùng, vẻ vang trong trang sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Phú Yên và của cả dân tộc Việt Nam. Với ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm và những chiến công đầy huyền thoại của cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu Không số, dân công bến Vũng Rô vẫn luôn được nhắc đến đầy xúc động, tự hào.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, trong lúc hầu hết các nước tham gia hội nghị đều ra tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, thì Mỹ - một thành viên của hội nghị lại không chấp hành nội dung Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương, đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn lập chính phủ bù nhìn, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ thành lập phái đoàn quân sự đặc biệt, khẩn cấp tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự, không thực hiện việc tổng tuyển cử trong cả nước. Tháng 5/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, gây nên những vụ giết người man rợ. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và xác định con đường giải phóng miền Nam là “con đường cách mạng bạo lực”. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 1/6/1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc Đoàn 559 ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên dãy Trường Sơn để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm phương thức vận chuyển, chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn 603 lấy tên là “Tập đoàn Đánh cá Sông Gianh”. Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi lan rộng khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Trước tình hình đó, việc trang bị vũ khí, đạn dược, thuốc chữa bệnh phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh và phát triển lực lượng cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ trở thành vấn đề cấp thiết, sống còn. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động hiệu quả, nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong lúc chưa có lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, để vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.
Thực hiện chủ trương trên, từ giữa năm 1961 đã có 6 chiếc thuyền của các tỉnh Nam Bộ và Khu 5 ra đến miền Bắc. Những chuyến thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải thủy. Chủ trương này thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu. Trên cơ sở những chuyến đi trinh sát, mở đường vận tải biển từ Bắc vào Nam đã thành công, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Từ đây, đường biển nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam được tiếp tục triển khai. Để đảm bảo bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải trang thành tàu đánh cá của ngư dân địa phương, không có số hiệu cố định, từ đó tên gọi “tàu Không số” ra đời. Tuyến đường vận tải biển được khai thông, khẳng định ta có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài. Để phù hợp với chức năng hoạt động và công tác quản lý, tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 về trực thuộc Quân chủng Hải quân; tháng 1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125.
Tại chiến trường Liên khu 5, để đáp ứng nhu cầu vũ khí cho lực lượng vũ trang Quân khu nói chung và Phú Yên nói riêng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã đề nghị Trung ương chi viện vũ khí qua đường biển. Sau khi được Trung ương chấp thuận, Quân khu 5 đã cùng với cấp ủy địa phương chỉ đạo xây dựng cơ sở quần chúng, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng các bến cảng bí mật. Việc mở bến ở địa bàn Khu 5 vô cùng phức tạp, khó khăn, vì vùng biển Khu 5 không có nhiều kênh rạch, các cửa sông hẹp, đa phần là bến ngang, chỉ có bãi cát tự nhiên nối liền vào bờ, cùng với đó là đồn địch bố trí dày và có rất nhiều căn cứ hải thuyền. Vì vậy nếu tàu nằm lại sẽ bị lộ; các điểm có khả năng chọn làm bến lại nằm sát quốc lộ 1, nên địch kiểm soát khá cẩn mật. Giữa năm 1964, vùng giải phóng của tỉnh Phú Yên đã mở rộng gần hết các huyện miền núi và phần lớn vùng nông thôn, đồng bằng. Lực lượng vũ trang cũng phát triển mạnh, nên nhu cầu trang bị vũ khí chiến đấu ngày càng cấp thiết. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã khẩn thiết báo cáo, đề nghị Trung ương chi viện vũ khí, hàng hóa, thuốc men để tiếp tục chiến đấu, giải phóng các xã đồng bằng. Trước yêu cầu đó, Trung ương giao nhiệm vụ cho Phân khu Nam cùng với Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị bến, bãi để tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Việc chuẩn bị bến để đón tàu được tiến hành hết sức khẩn trương theo chỉ đạo của Trung ương. Cuộc họp liên tịch giữa lãnh đạo Liên Tỉnh ủy III và Phân khu Nam bàn việc chọn bến đón tàu từ miền Bắc chở vũ khí vào được tổ chức; sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch - ta, cuộc họp thống nhất chọn bến Vũng Rô để đón tàu. Đồng chí Trần Suyền thay mặt Liên Tỉnh ủy III, Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa nhận nhiệm vụ tổ chức bến bãi, hành lang, lực lượng bảo vệ để đón tàu Không số và tiếp nhận, cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ. Huyện ủy Tuy Hòa trực tiếp chỉ đạo cấp ủy các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân huy động nhân lực, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng bốc dỡ, vận chuyển vũ khí, hàng hóa, nơi cất giấu và lực lượng bảo vệ bến bãi… Bãi Chính, bãi Chùa được chọn làm vị trí tàu cập bến vì có độ sâu cho tàu trọng tải lớn; khu vực này giáp ranh với xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân - là các xã đã được giải phóng, ta làm chủ nhiều đoạn bờ biển dài hàng chục km, có phong trào du kích phát triển mạnh, khí thế cách mạng của nhân dân đang rất cao.
Để chuẩn bị đón các chuyến tàu Không số, Ban chỉ huy bến, các đơn vị bảo vệ bến như K60, K65 được thành lập; hàng ngàn thanh niên, du kích được lựa chọn đi làm cầu cảng, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, kho bãi sẵn sàng bốc dỡ, vận chuyển vũ khí, hàng hóa khi tàu cập bến. Mọi công tác chuẩn bị tại bến đã được thực hiện chu đáo. Đến đêm 28/11/1964, Tàu 41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh làm Thuyền trưởng, đồng chí Trần Hoàng Chiếu làm Chính trị viên chỉ huy xuất phát từ cảng Hải Phòng chở hơn 60 tấn vũ khí, hàng hóa vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm đã cập bến Vũng Rô an toàn. Công việc bốc dỡ vũ khí, hàng hóa được tiến hành hết sức khẩn trương và hoàn thành lúc gần sáng; sau đó, tàu rời cảng ra hải phận quốc tế, trở về miền Bắc an toàn. Phần lớn vũ khí, hàng hóa vừa tiếp nhận được du kích, dân công chuyển về căn cứ. Các chuyến tàu thứ hai, thứ ba sau đó cũng cập bến an toàn vào các đêm 25/12/1964 và 1/2/1965.
Đầu tháng 2/1965, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 giao nhiệm vụ cho Tàu 143 chở 63 tấn vũ khí, hàng hóa vào Bình Định. Do tình hình bến tại Bình Định khó khăn, sở chỉ huy quyết định không cập bến theo dự kiến và chỉ đạo Ban chỉ huy bến Vũng Rô chuẩn bị tiếp nhận chuyến hàng thứ tư ngoài kế hoạch. Đêm 15/2/1965, Tàu 143 do đồng chí Lê Văn Thêm làm Thuyền trưởng cập bến Vũng Rô. Công việc bốc dỡ vũ khí, hàng hóa được tiến hành khẩn trương, đến 3 giờ 30 sáng 16/2 hoàn thành việc xuống hàng. Tuy đủ thời gian rời bến, song do tời neo hỏng, phải sửa chữa đến 5 giờ sáng nên Tàu 143 phải neo tạm tại bãi Chùa và được ngụy trang cẩn thận. Tuy nhiên ngày hôm sau, máy bay địch khi bay ngang qua Vũng Rô đã tình cờ phát hiện được tàu. Địch liền huy động lực lượng hải quân, không quân bao vây khu vực Vũng Rô, bắn phá các bãi và phóng rốc-két trúng mũi tàu. Sáng 17/2, tàu hải quân địch đưa lính lên bãi Chính, bãi Lau để bao vây. Bộ đội đơn vị K60, du kích và thủy thủ của ta từ bờ bắn ra rất mạnh, nhiều lần đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh. Ta rút tiểu đội ở bãi Lau về bãi Chính, điều động thêm một đội du kích xã Hòa Hiệp, một trung đội miền Đông huyện Tuy Hòa cùng đơn vị K60, K64 hiệp sức đánh trả, không cho địch đổ bộ. Địch cho máy bay bắn phá liên tục và yểm trợ cho tàu áp sát bãi Chính, bãi Bàng. Tại đây, bộ đội và du kích đã anh dũng chiến đấu chặn đánh địch quyết liệt, tiêu diệt hàng trăm tên. Đến đêm 17/2, ta quyết định phá hủy tàu cho chìm sâu dưới nước, quyết không cho địch chiếm tàu. Bộ đội, dân công nhanh chóng chuyển vũ khí vào sâu trong núi.
Sáng 22/2/1965 và những ngày sau đó, máy bay, pháo binh địch liên tục bắn phá mở đường lên bãi Xép đánh vào Bùng Binh, hang Vàng. Từ các hẻm núi, hốc đá, quân ta dùng trung liên và súng trường chặn đánh địch rất quyết liệt. Địch tiến vào hang Vàng, ta dùng thuốc nổ cho đá văng ra khiến hàng chục lính địch bỏ mạng tại chỗ, buộc chúng phải rút xuống tàu, chấm dứt cuộc càn quét bằng đường biển. Ta khẩn trương thu dọn vũ khí ở kho, tiếp tục vận chuyển về căn cứ; cán bộ, thủy thủ tàu Không số được giao liên đưa về phân khu, lên đường Trường Sơn trở ra miền Bắc bằng đường bộ.
Đầu tháng 3/1965, địch dùng máy bay B52 rải bom dọc các tuyến hành lang phía nam huyện Tuy Hòa 1 suốt 10 ngày đêm, mỗi ngày từ 5 đến 7 đợt. Tiếp đó, địch sử dụng hàng chục xe tăng thiết giáp từ Thạch Tuân (xã Hòa Xuân) càn xuống phía đông. Máy bay của địch liên tục ném bom xuống các làng xóm, giết hại nhiều dân thường. Một quân đoàn ngụy có máy bay trợ chiến càn quét xã Hòa Hiệp. Trong suốt mấy tháng ròng, nhân dân đã phải chịu biết bao đau thương, mất mát do những trận càn quét, ném bom, bắn phá của địch. Tuy nhiên, bộ đội địa phương phối hợp với du kích đã anh dũng chiến đấu chống càn, giữ vững vùng giải phóng.
Công tác vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam sau đó diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt; địch có ưu thế kiểm soát trên không, trên biển và phong tỏa ngày càng gắt gao. Nhưng với tinh thần quả cảm, trình độ nghiệp vụ tinh thông; trình độ tổ chức, chỉ huy thống nhất, kiên quyết, bí mật; hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật; bảo đảm thông tin liên lạc, tín hiệu thông suốt giữa sở chi huy với tàu, giữa tàu với các bến bãi…, cán bộ, chiến sĩ tuyến vận tải biển của Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến thắng địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sự hy sinh, đùm bọc, chở che của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với tinh thần quả cảm, anh dũng của các đơn vị bộ đội, dân quân các bến bãi ngay trong lòng địch đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm nên huyền thoại của “Bến - Tàu không số Vũng Rô”.
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng huyền thoại về Bến - Tàu Không số Vũng Rô, mà mở đầu là việc tiếp nhận an toàn chuyến hàng đầu tiên từ tàu Không số ngày 28/11/1964 sẽ mãi mãi ngời sáng trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm thêm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tỉnh Phú Yên.
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, ngày 30/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho đơn vị; năm 1967, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn 125. Năm 1976, Đoàn 125 đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Đồng chí Trần Suyền, Chỉ huy Bến Vũng Rô, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Trung tá Hồ Đắc Thạnh - Thuyền trưởng Tàu 41 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận bến Vũng Rô là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm mở đường Hồ Chí Minh (1961-2001) và 37 năm tàu Không số vào bến Vũng Rô (1964-2001), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên cùng với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức lễ đặt đá xây dựng Di tích lịch sử Vũng Rô - một công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Những năm qua, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, xung đột sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi. Trong thời gian tới, dự báo tình hình chính trị thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội sẽ tiếp tục diễn ra; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, cùng với tình hình phức tạp trên biển Đông thời gian gần đây, đã đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống hào hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển và bến Vũng Rô, tôi đề nghị cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn tỉnh ra sức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chủ trương, chính sách về biển đảo, cùng cả nước phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về biển đảo; nắm vững nội dung các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan đến các vùng biển, đảo; chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển; đồng thời nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, xây dựng vùng biển và ven biển của tỉnh vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Đối với các lực lượng vũ trang, phải thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng hoàn thiện các phương án, kế hoạch, quyết tâm chiến đấu; nâng cao chất lượng huấn luyện và các chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao khả năng hoạt động, tác chiến độc lập; tác chiến phối hợp và hiệp đồng giữa các lực lượng; kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ. Rèn luyện, xây dựng lực lượng cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; không ngừng học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, kiên định, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Kỷ niệm 50 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên từ tàu Không số là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ tàu Không số, dân công, du kích bảo vệ bến bãi, vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Những thành tích và bài học kinh nghiệm trong chiến đấu của các đơn vị K60, K64, các đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tài sản vô cùng quý báu, phải được giữ gìn và tiếp tục phát huy trong điều kiện mới. Những bài học kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Chúng ta mãi mãi tự hào về bến Vũng Rô, về đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyết mạch, trọng yếu chi viện vũ khí, đạn dược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mãi mãi là dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta. Trong tình hình hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân Phú Yên nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và các thế hệ cha anh đi trước. Hiện nay, tại vùng đất lịch sử này, tỉnh ta đang phối hợp cùng với nhà đầu tư tích cực triển khai dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, công suất 8 triệu tấn/năm; đồng thời đang xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch… Hứa hẹn trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch lớn của tỉnh và khu vực.
Trong buổi lễ trang trọng, đầy xúc động hôm nay, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ, đồng chí, đồng bào, đã góp phần làm nên sự kiện bến Vũng Rô và đường Hồ Chí Minh trên biển. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các thế hệ cha anh đi trước cần tiếp tục giáo dục, động viên thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta và quê hương Phú Yên anh hùng, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, để mãi xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay.
(*) Tựa do tòa soạn đặt.