Thứ Tư, 20/11/2024 16:16 CH
Quốc hội tranh luận về thẩm quyền công bố dịch
Thứ Sáu, 28/11/2014 16:50 CH

Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) - Ảnh: SGGPO

* Thông qua 2 nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc

 

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thú y. Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thú y (gồm 7 Chương, 121 Điều).

 

Theo tờ trình của Chính phủ, về công bố dịch, để chủ động và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật được khẩn trương kịp thời, dự thảo Luật quy định thẩm quyền công bố dịch cho chủ tịch UBND các cấp từ tỉnh đến xã, tùy theo mức độ phát sinh dịch khi có ổ dịch thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra; có kết luận chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã công bố trên địa bàn xã. Khi có dịch bệnh từ 2 xã trở lên, Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch trên địa bàn cấp huyện. Khi dịch xảy ra từ 2 huyện trở lên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch. Nếu địa phương không công bố dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) sẽ công bố thông tin dịch bệnh trên địa bàn.

 

Về kiểm dịch động vật, dự thảo Luật đã tách riêng làm hai mục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định nguyên tắc kiểm dịch động vật, không còn dựa trên “số lượng lớn, khối lượng lớn” như Pháp lệnh năm 2004 đã quy định, mà đã có quy định theo hướng mở, thông thoáng trong lưu thông động vật, sản phẩm động vật. Theo đó, việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật sẽ được kiểm soát theo mối nguy như động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở đã được phòng bệnh bằng vaccine hoặc từ cơ sở chăn nuôi tham gia chương trình giám sát dịch bệnh của cơ quan thú y, khi vận chuyển ra khỏi tỉnh chủ cơ sở chỉ cần thông báo cho cơ quan thú y để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày làm việc.

 

Thảo luận về luật này, các ĐBQH tán thành có luật Thú y bởi tình trạng lây bệnh truyền nhiễm từ đông vật sang người là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, các ý kiến vẫn tranh luận khác nhau thẩm quyển công bố dịch cũng như việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) luật chưa có những quy định chặt chẽ về việc phòng chống lây bệnh truyền nhiễm từ đông vật sang người.

 

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định về chăm sóc, chữa bệnh động vật vào luật vì thực tiễn diễn ra nhiều, để xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người hành nghề cũng như chủ vật nuôi. ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, bãi bỏ việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong nội tỉnh là không phù hợp. “Nhờ thực hiện tốt quy định này mà TPHCM thực hiện tốt được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong thời gian qua, hạn chế được dịch bệnh. Trong tình hình hiện nay, không nên bỏ quy định kiểm dịch sản phẩm động vật nội tỉnh để bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc theo quy định, hạn chế sự lây lan bệnh truyền nhiễm nếu  động vật, sản phẩm động vật mang bệnh. Việt Nam vẫn còn phương thức chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển nhỏ lẻ nên không thể bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh”, ĐB Thúy đề nghị. Cũng theo ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An), có bỏ kiểm dịch động vật trong nội tỉnh hay không thì cần cân nhắc thêm. ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho rằng, luật dự định bỏ các trạm kiểm dịch theo đầu mối giao thông. “Đề nghị có rà soát, báo cáo về hệ thống kiểm dịch theo đầu mối giao thông, nếu không hiệu quả thì đồng ý bãi bỏ”, bà Nga nói.

 

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn - Ảnh: TTXVN

 

Vấn đề thẩm quyền công bố dịch cũng còn nhiều ý kiến tranh luận. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và một số ĐB khác cho rằng,  thẩm quyền công bố dịch nên giao cho Chủ tịch UBND tỉnh. ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cũng tán thành giao thẩm quyền công bố dịch cho cấp tỉnh. Vì nếu giao cho cấp xã, cấp huyện sẽ phải qua nhiều khâu hành chính, không bảo đảm kịp thời. Tỉnh công bố vừa nhanh, vừa huy động được nguồn lực.

 

ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) lại cho rằng, công bố dịch thì phải có kết luận chính xác về bệnh, tức là phải có cán bộ chuyên sâu. Như vậy, xã thì không thể đủ năng lực, nguồn lực mà công bố, trong khi ở xã chăn nuôi rất nhiều, khó thực hiện việc cách ly. Vì vậy, đề nghị giao cho cấp huyện phối hợp với các xã để công bố dịch, còn nếu giao cấp tỉnh thì lại “xa” quá.

 

 

Cũng trong sáng 28/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật. 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên làm việc đã biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật.

 

Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người nêu rõ: “Bảo lưu quy định tại Điều 20 và khoản 1 Điều 30 của Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Không coi quy định tại khoản 2 Điều 8 Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ. Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc nguyên tắc có đi có lại”. Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

 

Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật nêu rõ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện 2 nghị quyết này.

 

BTV (Theo SGGPO, TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek