Thứ Tư, 20/11/2024 16:31 CH
Mở đường vào bến Vũng Rô
KỲ CUỐI: Chuyến hàng đặc biệt
Thứ Sáu, 28/11/2014 10:00 SA

Chuẩn bị thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại bến Vũng Rô - Ảnh: X.HIẾU

Mặt trời đi qua chậm chạp trên đỉnh đầu. Không gian yên tĩnh. Thỉnh thoảng một vài chiếc máy bay bay qua vùng trời Vũng Rô theo hướng nam - bắc, tiếng xình xịch của một đoàn tàu hỏa, tiếng rú ga sang số của những đoàn xe quân sự nặng nề leo dốc đèo Cả nghe chói tai. Trên tàu lúc này còn lại tôi, thuyền phó và máy trưởng - tổ rời tàu cuối cùng nếu phải chiến đấu, điểm hỏa phá hủy tàu.

 

Khoảng 14 giờ, anh Sáu và đồng chí cần vụ xuống tàu. Anh cho biết tình hình vẫn êm, mọi công tác chuẩn bị cho đêm nay bốc dỡ hàng đã tạm ổn. Chúng tôi uống nước và nói chuyện. Qua anh, tôi biết được tình hình tỉnh nhà sau bao năm xa cách.

 

Tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt, hoàng hôn xuống nhanh, thời điểm chuyển giao quyền làm chủ Vũng Rô cho chúng tôi - lực lượng cách mạng - đã tới. Tôi cho anh em tháo dỡ ngụy trang và cơ động tàu về Bãi Chính để bốc hàng. Trên bờ hàng trăm dân công đã chờ sẵn. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng được khẩn trương lắp ghép, anh chị em dân công tràn xuống tàu. Không khí lao động khẩn trương tấp nập. Ai lên tàu cũng muốn đi xem tất cả các nơi của “tàu mình” rồi mới chịu đi làm việc. Một nhóm chị em đứng gần hầm hàng chờ đến lượt mình vác, xầm xì bàn tán “Làm sao nẫu biết nẫu dô?”.

 

Chao ôi! Mười mấy năm trời hôm nay tôi mới nghe tiếng “nẫu”. Nó thân thương và gợi cảm vô cùng. Nó đưa tôi về với cội nguồn âm sắc quê hương của một Phú Yên trù phú, có cánh đồng Tuy Hòa thẳng cánh cò bay bên dòng sông Đà Rằng nước lững lờ trôi.

 

Trên tàu, dưới bến, người ta chạy đi chạy lại tấp nập khẩn trương bốc dỡ chuyến hàng. Tôi bưng ca nước mời anh chiến sĩ đang ngồi nghỉ sau khi bốc hàng dưới hầm lên, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Anh nói: “Đã mấy ngày nay, đơn vị không còn gạo, anh em phải ăn trái sung!” - “Quê mình mà cũng thiếu gạo à?” - Tôi hỏi và anh giải thích: “Gạo thì thiếu cha gì nhưng từ Hòa Xuân, Hòa Tân chuyển về đây phải qua đường số 1 thì khó lắm. Bọn Nam Triều Tiên nó phục dai dẳng 2 bên đèo Cả khó mà lọt qua”. Hớp một ngụm nước, anh nói tiếp: “Nhưng không sao, kỳ này có súng đạn của các anh đưa vô, bọn tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân, mà đã có dân là có gạo”. Tôi rơm rớm nước mắt, một mối cảm thông sâu sắc dâng trào. Những con người đã mấy ngày ăn trái sung mà khi tàu đến đã lao động bốc dỡ hàng với một tốc độ chưa từng thấy. Tôi đã đưa tàu vào nhiều bến, với lượng hàng này ở những bến ấy cũng phải bốc dỡ đến mấy ngày. Nhưng ở đây… sức mạnh nào khiến các anh chị lập nên chiến công kỳ diệu ấy.

 

2 giờ sáng, hàng đã bốc xong. Theo đề nghị của chúng tôi, các anh đã cho chuyển cát xuống để dằn tàu tạo nên sự ổn định khi tàu ra khơi gặp gió mùa đông bắc.

 

Tàu chuẩn bị rời bến. Phút chia tay không ai muốn nhưng rồi cũng đến. Anh Sáu cầm tay tôi lắc lắc: “Chúc các anh lên đường trở về miền Bắc an toàn, hẹn ngày gặp lại!”. Những vòng tay ôm choàng lấy nhau, những dòng nước mắt thấm qua vai áo. Những chiếc khăn tay giơ lên vẫy chào con tàu đang từ từ rời bến. Tôi dùng tay làm loa nói vọng vào bờ: “Tàu nẫu ra rồi tàu nẫu lại dô”.

 

Con tàu từ từ rời bến Vũng Rô.

 

Câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến “Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung” cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt con đường tàu ra Bắc.

 

Sau mấy ngày được phép nghỉ ngơi và chuẩn bị, hôm nay, chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của tàu 41. Thành phần tham dự cũng đông đủ như cuộc họp giao nhiệm vụ lúc ban đầu. Thay mặt cán bộ thuyền, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng đoạn đường, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến… Cả gian phòng lặng im khi nghe tôi báo cáo: “Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào”.

 

Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, Tư lệnh Quân chủng nói: “Từ nay trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường chúng ta có thêm một bến mới: bến Vũng Rô. Qua chuyến đi của tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn nhưng bến vẫn đảm bảo được: theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, vẫn còn là nơi địch sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng bến”.

 

Gạo! “Có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo”. Mối quan hệ nhân quả mà người chiến sĩ bảo vệ bến nói với tôi trong đêm bốc hàng, tuy không lý luận cao siêu nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế, nhưng việc chuyển một số gạo vào miền Nam - dù rất ít - trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: “trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí thì đem xếp 2 đến 3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!”, “chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng”…

 

Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến. Vì vậy nên khi đã có quyết định của Tư lệnh rồi, ngoài việc lo xuống hàng là vũ khí trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận vận chuyển gạo xuống tàu. Đồng chí Lộc, Thuyền phó Hậu cần được giao trọng trách đó.

 

Buổi chiều chuẩn bị cuối cùng. Sau khi đóng cố định các nắp hầm hàng, đồng chí Lộc đưa tôi xem phiếu xuất 3 tấn gạo Tám thơm dành riêng cho bến. Gạo để nơi khô ráo nhất trong khoang hàng để phòng gió mùa đông bắc tạt nước lên ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị, tàu tôi còn có thêm 3 tấn gạo. Số lượng tuy ít nhưng nó là món hàng đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả một nắng hai sương làm ra dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay giặc Mỹ, gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù nơi miền Nam tiền tuyến - bến Vũng Rô quê tôi.

 

Chuyến đi thuận lợi - sau 4 ngày đêm vật lộn với sóng to gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, tàu chúng tôi vào đúng bến Vũng Rô. Khi còn cách bờ một cây số, tàu nhận được tín hiệu của bến, dẫn dắt vào nơi trú đậu ngụy trang.

 

Vui mừng khi gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Đứng bên cạnh anh Sáu, anh Trần Ngọc Quang (người theo tàu tôi chuyến trước) ghé lại nói nhỏ với tôi: “Chúc mừng tàu nẫu lại dô”, và cả ba cùng cười.

 

Mọi công việc lại tấp nập khẩn trương. Nào cho tàu đi giấu và ngụy trang trước khi trời sáng. Nào tổ chức lực lượng chốt chắn các hướng trọng điểm, nhưng bận rộn nhất vẫn là việc chuẩn bị dân công bốc dỡ hàng. Tuy có kinh nghiệm của chuyến trước nhưng việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và phải vận chuyển tới nơi cất giấu trong đêm.

 

Tôi báo cáo với anh Sáu, chuyến này ngoài hàng vũ khí trang bị còn có 3 tấn gạo Tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến. Nỗi xúc động dâng trào nơi ánh mắt hai người lãnh đạo bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc - ngay cả với bản thân - trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Người cần vụ kể: “Có lần trên đường đi công tác, “thầy trò” bắt được một con rùa. Mừng quá, vì đã mấy ngày ăn muối, “trò” đề nghị giết rùa xào với măng rừng nhưng “thầy” không cho và bảo “trò” đem thả vào một hốc đá cho rùa lớn lên sinh sản ra nhiều rùa con khác để dành khi gặp khó khăn hơn”. Tuy biết vậy nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh “tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng”. Dừng một lát như đắn đo suy nghĩ, sau cùng anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành trong đêm.

 

Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong tấm lòng miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo bát cơm. Có gạo rồi nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: vì công việc dài lâu của bến.

 

Núi rừng Vũng Rô qua một ngày yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Mong đợi của chúng tôi rồi cũng đến. Khi màn đêm buông xuống, núi rừng Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Cũng chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng trăm dân công tấp nập chuyển hàng.

 

Gần 4 giờ sáng, mọi công việc hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ chảy.

 

Tàu từ từ rời bến.

 

Tạm biệt Vũng Rô. Tôi nhớ mãi câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến: “Có gạo, có vũ khí, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân. Mà đã có dân là có gạo”, trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ ác ôn, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, có phần của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng “đặc biệt” hôm nay.

 

Hồi ký của HỒ ĐẮC THẠNH

Nguyên Thuyền trưởng tàu 41 - Đoàn tàu Không số

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek