Với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở phường 1 (TP Tuy Hòa), cuộc sống hàng ngày dù còn nhiều khó khăn, nhưng khổ bao nhiêu chị cũng chịu được, miễn là con cái được ăn học nên người.
Nhanh nhẹn, hoạt bát, cởi mở - đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Chị Thúy cười: “Mình làm ăn buôn bán nên lúc nào cũng phải vui vẻ với khách. Hơn nữa, sống mà cứ để những chuyện buồn khổ làm nặng lòng thì làm sao có thể sống tốt cho cuộc sống hiện tại”. Ở tuổi 43, chị Thúy đã trải nghiệm không ít những bĩ cực, khốn khó, buồn tủi trong cuộc đời. Từ nhỏ đến lớn, chị không hề cảm nhận được hơi ấm tình thương của cha mẹ. Ngay từ lúc còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Thúy phải rời xa gia đình đến sống với bà ngoại nuôi ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa). Với chị, đó là những ký ức buồn, nên sau này cưới chồng, sinh con, chị quyết chăm lo cho con cái bằng tất cả tình thương yêu của mình.
Chị Thúy thổ lộ: “Vợ chồng tôi gầy dựng cuộc sống gia đình từ hai bàn tay trắng. Không nghề nghiệp, không vốn liếng, lại nuôi một lúc 4 đứa con nhỏ, khó khăn không sao nói hết. Dù vậy, trong những năm tháng khốn khó nhất, vợ chồng tôi vẫn quyết chí không để con mình thất học, không thể để các con vất vả như cuộc đời mình”.
Để có tiền nuôi con ăn học, anh Long - chồng chị đi sơn cửa sắt cho người ta, còn chị đi bán vé số khắp nơi trong TP Tuy Hòa. Công việc bán vé số thu nhập bữa có bữa không lại còn bị người ta quát nạt coi thường, nên chị quyết định chuyển sang nghề bán chè. Lúc đầu, ngồi bán ở vỉa hè góc đường Phan Đình Phùng và Lê Thánh Tôn bị những người làm công tác trật tự đô thị rượt chạy hoài, thấy không ổn, chị tìm đến Trường mầm non Hướng Dương xin thuê căn phòng nhỏ chứa rác của trường để sửa sang lại thành nơi bán chè của mình. Gọi căn phòng cho oai chứ thực ra diện tích chưa đến 5m2. Và nơi này trở thành nơi bán chè của chị Thúy hơn 21 năm nay. Thấy gia cảnh chị khó khăn, một năm Trường mầm non Hướng Dương chỉ lấy tiền thuê 10 tháng thay vì 12 tháng để bù những ngày mưa gió, chè bán không chạy. Để bán hơn 10 loại chè, hàng ngày chị Thúy phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, còn những ngày rằm, mùng một chị phải dậy từ 1-2 giờ sáng là chuyện thường. Nhờ quán chè cùng với công việc sơn cửa sắt của chồng, gia đình chị có ít tiền để trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày, 50 triệu đồng - tiền vay học sinh sinh viên cho các con ăn học vẫn còn đó, chị Thúy bảo chỉ mới trả được tiền lãi hàng tháng, còn tiền gốc hiện giờ vẫn chưa trả được.
Thương ba mẹ và thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, các con của chị Thúy quyết tâm học tập. Cả 4 chị em Vân, Vy, Linh và Nam học cho tương lai của mình và cho ước mơ, khát khao của ba mẹ. Bây giờ, cô con gái đầu Nguyễn Ngọc Tường Vân đã tốt nghiệp Trường đại học Ngoại Thương, đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cô con gái thứ hai Nguyễn Ngọc Tường Vy sau khi tốt nghiệp Trường đại học Công nghiệp ở lại TP Hồ Chí Minh vừa đi làm, vừa học tiếp lên thạc sĩ. Cô con gái thứ 3 Nguyễn Ngọc Thùy Linh đang là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Hàng không TP Hồ Chí Minh. Cậu con trai út Nguyễn Trương Duy Nam, học lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi. Nói về các con, ánh mắt chị Thúy lấp lánh niềm vui: “Tụi nhỏ không những học giỏi mà còn hiền ngoan, hiếu thảo nữa. Vợ chồng tôi vất vả bao nhiêu cũng không sao, chỉ mong tương lai con cái tươi sáng hơn mình”.
Chị Nguyễn Thị Lời, Chủ tịch Hội LHPN phường 1, nói rằng: “Điều đáng quý ở chị Thúy là mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng chị luôn nỗ lực nuôi con cái ăn học nên người. Ở vào hoàn cảnh của chị, không phải ai cũng làm được điều đó”.
THỦY VĂN