Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần II/2014 diễn ra từ ngày 27 đến 29/8 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Nhân dịp này, Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức đại hội về công tác dân tộc và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
* Xin đồng chí cho biết nội dung trọng tâm của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ II năm 2014?
Đồng chí Trần Quang Nhất - Ảnh: D.T.X |
- Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ II năm 2014 có chủ đề “Cộng đồng các dân tộc tỉnh Phú Yên bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau xây dựng quê hương giàu đẹp”, một lần nữa khẳng định ý nghĩa to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, cùng nhau xây dựng và phát huy bản sắc dân tộc, nâng cao niềm tin của cộng đồng các DTTS vào tương lai phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đại hội nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời đánh giá việc thực hiện quyết tâm của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ I (2009-2014), khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập. Đại hội ghi nhận công lao to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tại đại hội sẽ tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân là người đồng bào DTTS tiêu biểu có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh trong giai đoạn 2009-2014. Qua đó cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường trong mỗi cá nhân đồng bào DTTS để vươn lên vì mục tiêu chung “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Đồng chí có thể đánh giá việc thực hiện công tác dân tộc của tỉnh từ sau đại hội lần thứ I năm 2009 đến nay?
- Với nhận thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã ban hành các chính sách đặc thù và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, cùng với các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được tiếp tục triển khai, đặc biệt là chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, đã góp phần làm cho bộ mặt vùng đồng bào dân tộc và miền núi thay đổi đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt; các huyện miền núi đạt tốc độ tăng trưởng cao; đồng bào các dân tộc càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau giữa các dân tộc ngày càng được khẳng định và củng cố, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể hiện trên các lĩnh vực như sau:
Về phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; chú trọng công tác bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; hỗ trợ tín dụng ưu đãi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp, từng bước đưa sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện, hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
Đến nay 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó nhiều xã đã có đường nhựa đến trung tâm, giúp cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân thuận lợi hơn trước. 100% số thôn, buôn miền núi có điện lưới quốc gia, với tỉ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt trên 90%; 100% số xã phủ sóng phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt; tỉ lệ hộ dân dùng nước hợp vệsinh vùng dân tộc miền núi của tỉnh đạt trên 80%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào được chú trọng. Đồng bào DTTS đang sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh ở các tuyến. Các xã miền núi đều có trường, lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở. Tỉ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi năm học 2013-2014 đạt gần 100%; tỉ lệ học sinh bỏ học ở các bậc học hằng năm giảm. Thực hiện chế độ cử tuyển, 5 năm qua, đã lựa chọn trên 200 con em người DTTS đi đào tạo các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp, để tạo nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, quản lý cho các địa phương. 100% thôn, buôn vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Đặc biệt, thực hiện chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc, miền núi được chú trọng. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi từ 11 đến 13 triệu đồng/người/năm; riêng đồng bào DTTS đạt khoảng 8 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi giảm bình quân mỗi năm từ 3 đến 5% (riêng vùng đồng bào DTTS giảm từ 4 đến 5%); đến cuối năm 2013 tỉ lệ hộ nghèo người DTTS còn 51,3% so với tổng số hộ đồng bào DTTS. Tỉ lệ lao động vùng đồng bào dân tộc, miền núi qua đào tạo đạt gần 27%, trong đó đào tạo nghề gần 17%; hằng năm có khoảng 3.500 người được giải quyết việc làm mới.
* Còn kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS giai đoạn 2009-2014 thì sao, thưa đồng chí?
- Từ sau Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ I/2009, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, miền núi. Nhiều cuộc vận động và phong trào thi đua đã được phát động mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, được người dân hưởng ứng tích cực. Đơn cử như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” được bà con đồng bào DTTS hưởng ứng mạnh mẽ, qua đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ có thu nhập từ 120 đến 150 triệu đồng/năm, như: hộ ông Y Nam ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa); hộ ông Nay Y Thu ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh); hộ ông Lê Mo Dõn ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân),... Phong trào xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc cũng xuất hiện nhiều gương điển hình tốt, góp ngày công, tiền và vận động nhiều người cùng hưởng ứng phong trào này.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xuất hiện hộ ông Ma Vi ở xã Ea Bia, hộ bà Mí Cách ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc” có hộ ông Ma Tuấn ở xã Suối Bạc, hộ ông Rô Ô Y Thoa ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Phong trào “Xây dựng gia đình hiếu học, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có hộ ông La Thanh Nông ở xã Phú Mỡ và hộ La Chí Thái, Soa Doanh Châu ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân; bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, điển hình như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng ở xã Ea Cha Rang, nhà văn Y Điêng ở huyện Sông Hinh...
Việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc nhiệt tình hưởng ứng. Qua các hội nghị sơ kết, tổng kết đã biểu dương những gương điển hình tiêu biểu như K’Pá H’Bin ở thị trấn Hai Riêng, Mí Khét ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) hiến đất để làm đường giao thông, xây trường học; bà Diệp Tú Lan - người Hoa ở xã Xuân Bình, TX Sông Cầu với phong trào “Quả dừa tiết kiệm, nắm gạo tình thương” do Hội Phụ nữ thị xã phát động…
Biểu diễn cồng ba chiêng năm của đồng bào dân tộc ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh tại Đại hội đại biểu các dân tộc huyện Đồng Xuân lần thứ II - Ảnh: M.DUYÊN |
* Nhiệm vụ công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
- Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân tộc từ nay đến 2019 là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch 4/2012 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015 và chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc của tỉnh Phú Yên đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 922/2014 của UBND tỉnh. Trong đó cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu như:
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc và các tầng lớp nhân dân; coi đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ; tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; chú trọng hỗ trợ nông dân ở các xã đặc biệt khó khăn sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; phấn đấu bình quân mỗi năm khu vực miền núi giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo, riêng vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 5 đến 6% hộ nghèo; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 4.000 lao động. Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị… vùng DTTS.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Để ghi nhận và biểu dương, tôn vinh công lao và thành tích của đồng bào các DTTS tỉnh nhà trong 5 năm qua, tại đại hội này, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân; Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, đóng góp vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
MINH DUYÊN (thực hiện)