Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã tham gia góp ý kiến vào các chương trình nghiên cứu về sự phát triển của châu Á và ASEAN do Viện Cạnh tranh châu Á thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tổ chức.
Tại hội thảo, tổ chức ở Singapore ngày 26/8, các nhà nghiên cứu của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu cùng các nhà nghiên cứu về ASEAN của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thảo luận kết quả nghiên cứu ban đầu của Viện Cạnh tranh châu Á về 4 chủ đề.
Các chủ đề gồm: Tầm nhìn kết nối kinh tế châu Á năm 2030, trong đó có điểm nhấn là kết nối ASEAN trong kết nối tổng thể châu Á; Xếp hạng năng lực cạnh tranh của 10 nước thành viên ASEAN; Mô hình phát triển kinh tế của Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Singapore và Việt Nam dựa trên phân tích các mối quan hệ tương quan; Biện pháp giúp Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp.
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho phóng viên TTXVN tại Singapore biết rằng những chủ đề mà Viện Cạnh tranh châu Á đang nghiên cứu là những vấn đề quan trọng và rất có ý nghĩa đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại hội thảo, tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết các công trình nghiên cứu trên cần có tính phổ biến cao hơn trong các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu; thông tin trong các công trình nghiên cứu phải được cập nhật hơn để giúp quá trình hoạch định chính sách của các nước ASEAN đạt hiệu quả cao.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, để những kiến nghị của các nhà nghiên cứu có tính khả thi cao, các nhà nghiên cứu phải gắn kết với doanh nghiệp, với các nhà hoạch định chính sách và các nhóm cộng đồng xã hội. “Đặc biệt, các kiến nghị cần phải được gắn liền với vấn đề thể chế, không chỉ của một nước mà của nhiều nước, để các thể chế đó thực thi kiến nghị”, ông Thành nói.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn của các nước trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Cạnh tranh châu Á kiến nghị các nước trong khu vực châu Á cần phải tăng cường đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, cần phát triển châu Á thành “Rổ lương thực” với năng suất trong ngành nông nghiệp được nâng cao rõ rệt, cần xây dựng môi trường sống xanh và bền vững kết hợp với phát triển kinh tế và cần phát triển ASEAN thành trung tâm thương mại, kinh doanh và dịch vụ.
Theo Vietnam+