Sáng 26/8, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học qua thực tiễn khẳng định đây là một chủ trương đúng và có những kết quả bước đầu.
Do vậy, tinh thần là quyết tâm đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học với mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đảng và Nhà nước khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu; Đại hội XI của Đảng cũng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược trong đó xem việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ là 1 khâu đột phá chiến lược để chúng ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để phát triển nhanh và bền vững.
Tinh thần chung là “giáo dục - đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu; trong sự phát triển bền vững của đất, yếu tố con người có ý nghĩa quyết định, sức mạnh con người là ở trí tuệ, ở nguồn nhân lực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã có chương trình hành động triển khai thực hiện một cách toàn diện chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Trong giáo dục đại học đã coi việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng mừng, đáng trân trọng, những kết quả đạt được ở nhiều mức độ khác nhau như có trường tự chủ được tiền lương, có trường tự chủ được tiền lương và chi phí thường xuyên, có trường tự chủ được phần lớn về đầu tư…, song so với yêu cầu, việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học còn chậm.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ nhiệm vụ đặt ra phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học từ tự chủ về tài chính đến xây dựng bộ máy, nhiệm vụ đào tạo, chương trình, cấp bằng,… Mục đích xã hội hóa giáo dục trong đó có giao tự chủ không chỉ vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, song cái quan trọng hơn là giao tự chủ để tạo động lực, nền tảng, đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển bền vững hơn.
“Chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là đúng và chúng ta đã có nhiều văn bản, trên thực thế đã có kết quả; chúng ta khẳng định cái đúng này để làm tiếp, cái ưu điểm, cái tốt chúng ta phát huy; cái gì còn vướng mắc, còn khiếm khuyết thì bổ sung, khắc phục”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, các trường đại học tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường đại học để đưa ra thảo luận vào thông qua trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014.
Trong hoàn thiện dự thảo nghị quyết cần hết sức quan tâm đến vấn đề về bộ máy nhân sự, tuyển sinh, phân cấp cấp đầu tư, mở chuyên ngành đào tạo, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện thí điểm rộng hơn, mạnh hơn nữa trong giao quyền tự chủ cho các trường đại học; dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT là Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh; Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội...
Theo TTXVN, Vietnam+