Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta nổ ra gần như đồng thời trong cả nước và giành thắng lợi trọn vẹn chỉ chưa đầy nửa tháng và hầu như không có đổ máu. Chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến cơ sở, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân một nước độc lập, tự do.
ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN QUYẾT GIÀNH ĐỘC LẬP
Bài học nắm thời cơ, chủ động tiến công cách mạng, đoàn kết toàn dân tộc, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta của tư tưởng Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám soi sáng con đường cho Đảng ta và nhân dân ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước và đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiến hành đổi mới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám thể hiện nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa tài tình về chớp lấy thời cơ lịch sử với quyết tâm cao, phải giành cho được độc lập. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 13/8 đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và phát lệnh tổng khởi nghĩa trong cả nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám nổ ra, nhân dân ta từ Nam chí Bắc nhất tề đứng dậy theo Lệnh tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền trong cả nước. Chấm dứt ách thống trị gần một trăm năm của chính quyền thực dân và chế độ phong kiến hàng nghìn năm.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật nhất là tư tưởng của Người về giải phóng dân tộc. Đó là một trong những đóng góp to lớn vào lý luận Mác - Lênin, mở ra con đường cho các dân tộc bị áp bức đứng lên, đoàn kết đấu tranh giành quyền độc lập, tự do. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc được hình thành trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, bắt đầu từ năm 1911. Mười năm bôn ba trên các châu lục, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào các dân tộc bị áp bức và phong trào công nhân để tìm cách cứu nước, cứu dân. Tiếp thu chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Tin theo Lênin, ủng hộ Quốc tế Cộng sản, tham gia đại hội Tua, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản quốc tế và Người đã đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Sự sáng tạo đặc biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc là ở chỗ ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc đã xác định đúng vị trí và vai trò của cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa khi cho rằng, cách mạng thuộc địa có thể chủ động tiến lên giành thắng lợi; chẳng những không bị động chờ thắng lợi cách mạng vô sản ở chính quốc mà bằng cuộc đấu tranh của mình. Từ đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào yêu nước, phong trào công nhân, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, thành lập các tổ chức yêu nước và cách mạng để tập hợp lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cốt cán, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam với mục tiêu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu đã tập hợp mọi lực lượng trong toàn dân tộc chống đế quốc và dẫn dắt phong trào cách mạng vượt qua những khó khăn, thử thách, phát triển mạnh mẽ. Năm 1941, đánh dấu bước chuyển cơ bản của phong trào cách mạng nước ta. Đó là bước chuyển chiến lược về nhiệm vụ cách mạng được phát triển, bổ sung, nâng cao gắn liền với tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn của Bác Hồ. Sau 30 năm bôn ba, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, bức thiết của cách mạng. Do đó, “trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Trong thư Kính cáo đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ, “trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Hiện thời, muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết… Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.
Mặt trận Việt Minh ra đời là sáng kiến đặc biệt của Bác Hồ đã liên hiệp được các đoàn thể cứu quốc, thống nhất các lực lượng yêu nước phản đế, thực hiện đoàn kết toàn dân đấu tranh đánh đuổi thực dân, phát xít dưới ngọn cờ cứu nước, giải phóng dân tộc, giành lại tự do cho nhân dân. Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân, thông qua đấu tranh chính trị, từng bước xây dựng “những tiểu tổ du kích, du kích chính thức” làm nòng cốt cho các cuộc khởi nghĩa, tiến tới khởi nghĩa võ trang, “nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù”.
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân Việt Nam long trọng tuyên bố với thế giới rằng, Việt Nam đã giành được độc lập sau gần 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, cai trị, áp bức, bóc lột… Và để bảo vệ quyền độc lập tự do của mình, toàn dân Việt Nam quyết đem tài sản, của cải và tính mạng để bảo vệ, giữ gìn nền độc lập tự do ấy. Tuyên ngôn độc lập đã khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tỏ rõ quyết tâm bảo vệ quyền dân tộc độc lập, quyền tự do của nhân dân, bảo vệ chủ quyền đất nước và quyền mưu cầu hạnh phúc của toàn dân Việt Nam.
Để thực hiện và bảo vệ các quyền cơ bản ấy của dân tộc và của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức và lãnh đạo toàn dân kháng chiến và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Một trong những công việc quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng là xây dựng bộ máy nhà nước làm công cụ lãnh đạo và phục vụ nhân dân trong xã hội mới từ sau Cách mạng Tháng Tám. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sáng tạo những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin coi chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng còn trong trứng nước lại phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt hoành hành, tình thế đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, với những quyết sách sáng suốt, chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu đã đoàn kết toàn dân kiến quốc và tiến hành kháng chiến chống lại cuộc cướp nước lần thứ hai của thực dân Pháp.
Có thể nói, từ khi sáng lập nhà nước, suốt 24 năm làm chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng bộ máy nhà nước và hệ thống luật pháp thật sự vì dân, do dân và của dân. Nhà nước đó có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước, thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.
Công việc đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và toàn dân cần làm là tổng tuyển cử trong cả nước và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Hiến pháp năm 1946 là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng nhà nước vì dân, do dân, của dân.
Các Hiến pháp tiếp sau đều có chắt lọc tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền vì dân. Trong điều kiện mới hiện nay chúng ta cần quán triệt và phát triển hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân thật sự trong sạch, vững mạnh. Hiến pháp 2013 đã kế thừa và phát triển những thành quả cách mạng và Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì trong điều kiện lịch sử mới.
Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng, một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ. Muốn thực hành được tiết kiệm phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu vì tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, cũng là đồng minh của thực dân phong kiến. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, do vậy cần thường xuyên giáo dục cho cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, chống “nhũng lạm” bởi lẽ những người trong các công sở đều có ít nhiều quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t5, tr104). Vậy nên phải thường xuyên cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc yêu cầu cán bộ, công chức phải thực thật tốt chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân chúng.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền vì dân, một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn hiện nay là chăm lo xây dựng Nhà nước, cần thật sự quán triệt, thực hiện những nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội XI của Đảng về đẩy mạnh cải cách tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhà nước. Theo đó, cần tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Cương lĩnh năm 2011 và Hiến pháp mới 2013 nhằm xây dựng và tăng cường bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trước mắt cần thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức đã có hiệu lực từ đầu năm 2010; ban hành và hoàn thiện chế độ công vụ gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước phục vụ nhân dân; đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tố cáo của công dân, bảo đảm tính công minh của pháp luật, có lý có tình; cải tiến chế độ tiền lương, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn lực lượng cán bộ, công chức.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay, những bài học của Cách mạng Tháng Tám về sức mạnh đoàn kết toàn dân, đem sức dân mà giải phóng cho dân cũng như phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám là xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân vẫn còn tươi nguyên giá trị, soi sáng con đường đi tới của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ, bảo đảm quyền con người.
TS PHẠM VĂN KHÁNH