Sáng 24/7, ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh và đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại phiên thảo luận tổ.
CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ PHÚ YÊN NGÔ ĐỨC TOÀN: Tập trung xử lý các khoản nợ thuế
6 tháng đầu năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 920 tỉ đồng, đạt gần 50% dự toán tỉnh giao; tuy tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức thu bình quân của cả nước. Khó khăn lớn nhất trong công tác thu ngân sách của Phú Yên là vấn đề nợ thuế, nhiều doanh nghiệp giải thể đến nay đã trên 10 năm và trở thành nợ khó đòi nhưng không thể xóa nợ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp thủy sản được miễn thuế, số thu mất đi khoảng 40 tỉ đồng, các đơn vị xây dựng cơ bản được dãn thuế 1 năm làm hụt nguồn thu khoảng 20 tỉ đồng… Đến nay, ngành Thuế Phú Yên quản lý số nợ lên đến 289 tỉ đồng, khoảng 15% tổng số thu cả năm.
Từ nay đến cuối năm, để công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra, Cục Thuế Phú Yên giao chỉ tiêu thu cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân và tập trung xử lý các khoản nợ thuế. Chú trọng phân tích, dự báo và đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, thực hiện thanh, kiểm tra thuế, nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh để đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong việc đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Ngành Thuế sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, trốn thuế, lậu thuế và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp tục tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ sự biến động của các khoản nợ thuế, thực hiện nghiêm việc phạt chậm nộp, tổ chức triển khai các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng...
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ PHAN VŨ NHÂN: Ban hành chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sĩ là cần thiết
Thời gian qua, Phú Yên đã ban hành một số chính sách thu hút trí thức, hỗ trợ đào tạo sau đại học nhưng chưa thu hút được nhiều bác sĩ về tỉnh công tác. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ thu hút được 10 bác sĩ, 6 tháng đầu năm 2014 thu hút được 4 bác sĩ và từ năm 2008 đến 2013 đào tạo được 55 bác sĩ. Trong khi đó, những năm gần đây, một số bác sĩ đã bỏ việc, chuyển đi nơi khác, một số chuyển ra ngoài làm tư nhân, nhiều bác sĩ nghỉ hưu.
Hiện toàn ngành Y tế Phú Yên có 442 bác sĩ, trong đó có 74 bác sĩ ở tuyến xã (đạt tỉ lệ 66% xã có bác sĩ). Tỉ lệ bác sĩ trên địa bàn tỉnh là 5 bác sĩ/10.000 dân, còn thấp so với mặt bằng chung cả nước là 7 bác sĩ/10.000 dân. Để phấn đấu đến năm 2020 đạt tỉ lệ 9 bác sĩ/10.000 dân thì cần 810 bác sĩ (hiện có 442 bác sĩ, còn thiếu 368 bác sĩ); từ nay đến năm 2020 sẽ có 78 bác sĩ nghỉ hưu nên thực tế còn thiếu 446 bác sĩ. Do đó, việc ban hành chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sĩ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 là thật sự cần thiết. Qua khảo sát ban đầu tại các trường đại học y, một số sinh viên người Phú Yên có nguyện vọng về quê công tác sau khi tốt nghiệp. Chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ bác sĩ ngoài các quyền lợi được hưởng theo đề án thì không phải thi tuyển. Hy vọng khi chính sách này được HĐND tỉnh thông qua sẽ có nhiều bác sĩ về Phú Yên.
GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT BIỆN MINH TÂM: Hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ hè thu năm 2014
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa. Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2014 trong tỉnh phổ biến từ 45,4 đến 111,6mm, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 170,8 đến 265,2mm khiến lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là các khu vực miền núi. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió tây nam thổi mạnh làm lượng nước bốc hơi lớn, tình trạng thiếu nước, khô hạn đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Các công trình hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, giếng nước ngầm... cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ Phú Yên khoảng 45,3 tỉ đồng để chống hạn và giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Để hỗ trợ kinh phí chống hạn kịp thời cho một số địa phương bị ảnh hưởng nặng, UBND tỉnh đã cấp bổ sung dự toán ngân sách năm 2014 cho 2 huyện Tuy An và Đồng Xuân để phục vụ công tác chống hạn vụ đông xuân 2013-2014 với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Trong khi chờ kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình, trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ hè thu năm 2014 cho các địa phương trong thời gian đến.
GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT NGUYỄN VĂN TÁ: Chính quyền cần vào cuộc để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm
Thời gian qua, hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự kiểm tra, thanh tra của Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều điểm tổ chức dạy thêm, học thêm vi phạm. Cụ thể từ năm 2012 đến 2014 đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp vi phạm, thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm (từ 3 tháng đến 1 năm) 3 trường hợp, các trường hợp này đều bị kỷ luật. Vấn đề “học sinh không có điều kiện học thêm bị giáo viên ép và không được quan tâm”, Sở GD-ĐT đã xác minh và xử lý 2 trường hợp có dấu hiệu ép điểm học sinh để dạy thêm không đúng quy định...
Việc dạy thêm, học thêm đã có nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT, tuy nhiên để quản lý tốt công tác dạy thêm, học thêm, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở nên vào cuộc cùng với ngành Giáo dục.
NGỌC CHUNG - THỦY LOAN