Từ ngày 22-23/7 tại Brussels, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 20 (AEMM-20) với chủ đề “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng” đã diễn ra.
Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU đầu tiên do Việt Nam và EU đồng chủ trì trong giai đoạn Việt Nam điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU (2012-2015). Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đồng chủ trì hội nghị cùng Cao ủy Chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Catherine Ashton.
Tại hội nghị, 2 bên đã chia sẻ thông tin về tình hình phát triển của ASEAN và EU, kiểm điểm và đề ra định hướng quan hệ đối tác ASEAN - EU, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có cấu trúc khu vực đang định hình ở Đông Á, vấn đề biển Đông, an ninh an toàn hàng hải, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, phòng chống tội phạm...
Về quan hệ ASEAN - EU, 2 bên đánh giá cao các tiến bộ và hiệu quả đã đạt được trong 37 năm qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu. Hiện ASEAN và EU là những đối tác thương mại quan trọng của nhau. Năm 2013, tổng thương mại ASEAN - EU đạt 242,6 tỉ USD, chiếm 9,8% tổng giá trị thương mại của ASEAN. EU là một trong các nhà đầu tư FDI lớn nhất vào ASEAN với số vốn đạt 23,3 tỉ USD, chiếm gần 22% tổng vốn đầu tư vào ASEAN.
Trên cơ sở đà phát triển và kết quả đạt được trong thời gian qua, 2 bên nhất trí về các định hướng thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU trên những lĩnh vực sau. Về chính trị - an ninh, ASEAN và EU nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn về chính trị và an ninh cũng như tham vấn trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhằm phát huy hơn nữa tiếng nói, vai trò và đóng góp của quan hệ ASEAN và EU vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực kinh tế, 2 bên phấn đấu tăng thương mại 2 chiều, nhất trí việc sớm nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - EU sau năm 2015, gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ; và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hai bên cũng nhất trí tham vấn kinh tế thường xuyên cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và EU, tích cực nghiên cứu và triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động thương mại và đầu tư 2013-2014. ASEAN cũng đề nghị EU hỗ trợ ASEAN tiến hành các chương trình quảng bá về tiềm năng thương mại và đầu tư của ASEAN tại các nước EU.
Về tăng cường kết nối và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, EU cam kết tăng cường hỗ trợ ASEAN về xây dựng Cộng đồng, liên kết, kết nối. Trên cơ sở đó, EU sẽ chia sẻ kinh nghiệm cùng ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN tăng cường liên kết, kết nối khu vực, nhất là về mặt kết nối thể chế và kết nối người dân. EU đã lập cơ chế đặc trách hợp tác với ASEAN trong kết nối khu vực, hỗ trợ các nỗ lực kết nối của ASEAN thông qua kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC).
EU cam kết tăng hơn gấp đôi trợ giúp phát triển cho ASEAN lên 170 triệu euro cho giai đoạn 2014-2020, so với 70 triệu euro giai đoạn 2007-2013; tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Nuremberg về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN - EU (2013-2017).
Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, 2 bên đặc biệt quan tâm và bày tỏ các quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông. Phát biểu tại hội nghị, Cao ủy Chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Catherine Ashton nhất trí bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở biển Đông, đề cao các tuyên bố gần đây của ASEAN và EU. EU nhấn mạnh coi trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); phản đối các hành động đơn phương; ủng hộ các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kể cả thông qua các biện pháp pháp lý.
Các nội dung trao đổi nêu trên của các Bộ trưởng ASEAN và EU đã được phản ánh vào văn kiện của hội nghị, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình gia tăng căng thẳng ở biển Đông; ủng hộ các tuyên bố của ASEAN gần đây về biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực và thúc đẩy an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở ở biển Đông; thực hiện kiềm chế, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).
Về vụ máy bay MH17, 2 bên đã ra Tuyên bố chung lên án mạnh mẽ, yêu cầu điều tra đầy đủ và đưa những kẻ phạm tội ra pháp luật. Kết thúc hội nghị, 2 bên nhất trí sẽ đưa quan hệ ASEAN - EU phát triển hướng tới quan hệ đối tác chiến lược và giao cho quan chức cao cấp (SOM) xây dựng lộ trình và đề xuất các khuyến nghị định hướng tương lai nhằm đưa quan hệ ASEAN - EU lên tầm chiến lược.
Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - EU, đoàn Việt Nam đã tham gia điều hành hội nghị, đề ra các định hướng ưu tiên cho việc đưa quan hệ 2 bên phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới, khuyến khích EU tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tích cực đóng góp vào hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham gia đồng chủ trì các phiên họp, phát biểu khai mạc, dẫn đề về định hướng quan hệ ASEAN - EU, phát biểu về nhiều đề mục trong chương trình nghị sự và bế mạc hội nghị. Trong các phát biểu, Phó thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác ASEAN - EU trong gần 40 năm qua, khẳng định 2 bên cần phát huy hơn nữa các kết quả đã đạt được và tiềm năng để đưa quan hệ 2 bên hướng tới đối tác chiến lược.
ASEAN hoan nghênh việc EU tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN nhằm bảo đảm các nguyên tắc và quy định của TAC được thực hiện hiệu quả, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng đánh giá cao việc EU tăng cường hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, liên kết và kết nối khu vực; ASEAN và EU cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất các FTA song phương giữa EU và các nước ASEAN. Về định hướng phát triển quan hệ ASEAN - EU sắp tới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh các yêu cầu về tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức chiến lược hiện nay nhằm xây dựng lòng tin, bảo đảm hòa bình và ổn định; tăng cường hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN trong tương lai như xây dựng cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và trao đổi nhân dân; tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và tiếp tục hợp tác giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu đang nổi lên; thúc đẩy xây dựng lộ trình và các nội hàm nhằm đưa quan hệ 2 bên hướng tới tầm đối tác chiến lược.
Về biển Đông, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định mạnh mẽ các nguyên tắc của ASEAN, đánh giá cao việc EU ra Tuyên bố về biển Đông; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây đe dọa đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm Luật pháp quốc tế; Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và DOC.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị EU cùng ASEAN phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói của mình trong việc đề cao các nguyên tắc về giải quyết hòa bình các tranh chấp, thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, cũng như thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC. Hội nghị đánh giá cao vai trò điều phối của Việt Nam kể từ 2012 đến nay, đặc biệt là việc tham gia điều hành và đồng chủ trì việc chuẩn bị để hội nghị thành công tốt đẹp.
Theo TTXVN, Vietnam+