Trong bài nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa...”. Người còn căn dặn: “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.
Thực tiễn hoạt động báo chí cách mạng nước ta từ ngày thành lập Đảng đến nay đã khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp tích cực của báo chí trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, báo chí cách mạng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Báo chí đã tạo nên sức sống thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vào những năm đầu thập kỷ 60, thế kỷ 20; nhóm lửa và thổi bùng chí khí sản xuất và chiến đấu của toàn dân ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng tiếp tục cổ vũ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí vượt khó, làm giàu, truyền thống yêu nước, tương thân, tương ái của dân tộc ta. Đặc biệt hơn 3 năm qua, báo chí đã phát hiện, cổ vũ có hiệu quả phong trào thi đua học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp sức ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; từng bước xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với báo chí cách mạng cả nước, trong thời gian qua, báo chí Phú Yên luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích và định hướng của Đảng; chủ động, tích cực và đi tiên phong trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh, đấu tranh góp phần giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đấu tranh quyết liệt chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động.
Cùng với niềm tự hào chính đáng đó, đôi lúc cũng xuất hiện những bài báo “thổi phồng các thành tích” hoặc “không nói đúng mức những khó khăn và khuyết điểm”. Đặc biệt, một số bài viết còn dài, “dây cà ra dây muống”, “đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng”, nhất là bệnh “sính dùng chữ nước ngoài quá nhiều”, như Bác Hồ đã từng chỉ ra... Chính những thiếu sót, khuyết điểm này đã hạn chế tính hiệu quả của báo chí, làm cho người đọc, người nghe, người xem phân tâm hoặc chưa mặn mà và thật sự tin tưởng vào cơ quan ngôn luận của Đảng và chính quyền, tiếng nói của nhân dân. Với các thế lực thù địch, cơ hội thì thường tận dụng những sơ hở của báo chí để thổi phồng, kích động chia rẽ nhân dân ta với Đảng và Nhà nước, ra sức chống phá cách mạng nước ta.
Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là để tôn vinh, cũng là dịp để mỗi nhà báo chúng ta cần suy ngẫm nghiêm túc những hạn chế, thiếu sót mà Bác Hồ đã chỉ ra trong bài nói của Người cách đây 52 năm. Thiết nghĩ, khi viết một bài báo mỗi nhà báo chúng ta phải luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết thế nào? Những nhà báo trẻ càng phải nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Bác. Phải luôn tu dưỡng, phấn đấu để tâm thật sáng, lòng thật trong, ngòi bút thật sắc bén; tích cực tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác; quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; đồng thời, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, nhất lànhững biểu hiện “tựdiễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tích cực phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
XUÂN HIẾU