Thứ Hai, 25/11/2024 19:27 CH
Học giả quốc tế: Trung Quốc tạo căng thẳng nguy hiểm tại khu vực
Thứ Sáu, 20/06/2014 19:06 CH

Quang cảnh hội thảo. - Ảnh: TTXVN

 

Sáng 20/6, tại Đà Nẵng, hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" đã được tổ chức, thu hút gần 100 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu. Hội thảo do Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã phối hợp tổ chức.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đăng Phước, hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng nhấn mạnh hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” là sự tiếp nối thành công của hội thảo về hai quần đảo được tổ chức tại Quảng Ngãi tháng 4/2013. Điều này cho thấy chủ đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. 

 

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý "đường lưỡi bò". Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đăng Phước nhấn mạnh hành động này của Trung Quốc là một bước leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông.

 

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận chủ đề "Sự thật tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những tác động đối với hòa bình, an ninh khu vực", tập trung phân tích khía cạnh chính trị, quân sự tranh chấp ở biển Đông qua các tham luận "Tranh chấp Hoàng Sa, vấn đề chính trị và vai trò của luật pháp quốc tế trong việc thúc đẩy hợp tác"; "Thủ đoạn "ngư phủ-tàu lạ" của Trung Quốc sử dụng để lấn dần từng bước, rồi thực hiện một cuộc "tiểu chiến tranh" cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, qua tư liệu lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa (1954-1975)"; "Câu chuyện về đường 9 đoạn, quá khứ, hiện tại và tương lai"; "Mối liên hệ của Học thuyết Stimson ở Đông Á thế kỷ 21"; "Sự không công nhận như một biện pháp thách thức Trung Quốc gia tăng xâm chiếm biển Đông"; "Sự ép buộc được điều chỉnh tăng lên ở biển Đông"...

 

Các đại biểu cũng đã tập trung xoay quanh chủ đề này bằng những giải pháp hướng tới một khu vực hòa bình, an ninh được thể hiện qua các tham luận "Cuộc chiến pháp lý hay cuộc chiến quân sự? Hãy để cơ chế tòa án làm dịu các cuộc tranh chấp ở châu Á"; "Giải pháp cho đụng độ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị những tính toán chiến lược của Trung Quốc ngăn trở triển vọng"; "Tăng cường cách tiếp cận khu vực đối với tranh chấp Hoàng Sa"; "Từ lịch sử thế kỷ 20 đến địa chính trị hiện tại, hướng tới hợp tác và cùng phát triển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vì hòa bình, an ninh khu vực và thế giới"; "Sự giao thoa châu Âu và những cuộc xung đột ở biển Đông - Vấn đề và kiến nghị".

 

Bằng những chứng cứ, tư liệu lịch sử, khoa học..., giáo sư Carl A. Thayer, nguyên giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á khẳng định nếu tính từ lịch sử xa xưa tới thế kỷ 17 và thế kỷ 18, có thể thấy rất rõ rằng Việt Nam có cơ sở đáng kể về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. 

 

Trong thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn đã ra lệnh cho các quan chức trong triều thu nạp thủy thủ cho từ 5 đến 18 thuyền, tạo nên đội Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ, khảo sát và lấy hàng hóa từ các tàu buôn bị chìm. Các vị vua triều Nguyễn tiếp tục duy trì đội Hoàng Sa. Vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa từ năm 1816. 

 

Dưới thời của người kế vị - vua Minh Mạng, đội Hoàng Sa lại tiếp tục khảo sát và vẽ bản đồ quần đảo, xây dựng một miếu thờ năm 1835, dựng một bia đá khắc lên yêu sách lãnh thổ của Vương quốc An Nam... Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva 1954 đã tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai khu vực dọc theo vĩ tuyến 17. Quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vĩ tuyến này, do đó, nó thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa. 

 

Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa phản đối sự chiếm đóng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với các đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Cũng năm đó Việt Nam Cộng hòa thay thế các lực lượng Pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Bộ Khai khoáng khoa học và Công nghiệp nhỏ tiến hành một cuộc khảo sát đối với bốn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. 

 

Theo giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc viện dẫn rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1958 là không chính xác. Bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Trung Quốc không đề cập tới quần đảo Hoàng Sa (hay là quần đảo Trường Sa) cũng như không hề thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa... Ông cho rằng tranh chấp hiện nay về chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Việt Nam cần tranh luận mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc. Việt Nam nên vận động Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tỏ ra mạnh hơn trong sự ủng hộ của ASEAN cho việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực... 

 

Sau khi phân tích kỹ càng về những giải pháp trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông, giáo sư Jerome A. Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-châu Á, Đại học Luật New York cho rằng quan điểm chống lại sự tham gia của các cơ chế pháp lý của Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước láng giềng tăng cường hợp tác phòng thủ với nhau, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ các nước lớn ngoài khu vực. Tình hình này đi ngược lại với các mục tiêu của ngoại giao chuyên nghiệp Trung Quốc và tạo ra căng thẳng đầy nguy hiểm đang tăng lên trong khu vực. 

 

Theo giáo sư Jerome A. Cohen, Bắc Kinh nên cân nhắc lại sự thù địch của họ đối với các phán quyết của các cơ chế trọng tài công bằng và học cách được hưởng lợi từ những khả năng đó...

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek