* Trung Quốc bổ sung máy bay tuần thám trên khu vực giàn khoan
Một cuộc hội thảo quy mô về Việt Nam mang tên “Việt Nam trong sự đa dạng ngày hôm nay” đã diễn ra ngày 17/6 tại trụ sở Thượng viện Pháp ở thủ đô Paris, dưới sự chủ trì của bà Helene Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV), thượng nghị sĩ danh dự.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại hội thảo, do AAFV tổ chức, các khách mời là đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lập pháp, giới chuyên gia và học giả Pháp chuyên nghiên cứu về Việt Nam đã thống nhất đánh giá các thành tựu đổi mới của Việt Nam với nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong nhiều thập kỷ và chính sách hội nhập quốc tế thành công.
Phát biểu tại hội thảo, ddại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã nêu bật những thành tựu to lớn của Việt Nam sau gần 3 thập kỷ đổi mới, nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài, Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức trên 5% trong những năm qua. Chính sách tạo thuận lợi thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam đã làm cho Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp.
Đại sứ cũng cập nhật những diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng tại biển Đông, nhấn mạnh những hành động gây hấn của Trung Quốc kể từ ngày 2/5 khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc đã duy trì nhiều tàu quân sự cùng máy bay hộ tống để bảo vệ giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc liên tục bố ráp, đâm và phun vòi rồng một cách hung hãn vào tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Đại sứ nêu rõ các hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Về phía Pháp, bà Marie-Christine Blandin, thượng nghị sĩ, Phó chủ tịch Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Pháp -Việt, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, giáo dục và truyền thông của Thượng viện Pháp đã bày tỏ sự lo ngại trước những gia tăng căng thẳng tại khu vực biển Đông. Theo bà: "Việc Trung Quốc cho tàu đâm và làm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng là một việc làm hết sức nghiêm trọng và đã đi quá giới hạn cho phép. Với tư cách là Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Pháp - Việt, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các hiệp định đã ký kết, luật pháp và quy định quốc tế về biển. Chúng tôi sẽ luôn bên cạnh Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình".
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, tướng Daniel Schaeffer, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một chuyên gia nghiên cứu về biển Đông tại Pháp, tuyên bố ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Theo ông, Việt Nam cần làm cho quốc tế thấy được sự đúng đắn của các hành động của mình và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
* Cập nhật những thông tin trong ngày 18/6, tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, phía Trung Quốc huy động 2 máy bay quân sự cánh bằng, lượn 2 vòng trên khu vực phía tây nam giàn khoan ở độ cao 500-700m, sau đó bay về hướng giàn khoan.
Đặc biệt, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết tại khu vực mới xuất hiện thêm 1 máy bay tuần thám số hiệu 3586 lượn 2 vòng trên khu vực phía tây giàn khoan ở độ cao 500-800m, sau đó rời khu vực theo hướng tây bắc. Cũng trong ngày, tàu hải cảnh, tàu kéo của Trung Quốc đã tăng tốc độ, chặn hướng, sẵn sàng phun nước, đâm va khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 10-12 hải lý.
Về lực lượng, phía Trung Quốc duy trì khoảng 110-118 tàu các loại, giảm 18 tàu so với ngày hôm qua (17/6 có 136 tàu); trong đó có 39-41 tàu hải cảnh, 14-15 tàu vận tải, 17-20 tàu kéo; 35-37 tàu cá, 5 tàu quân sự.
Trung Quốc vẫn tổ chức thành từng nhóm gồm 35-38 tàu cá dưới sự hỗ trợ của 1 tàu hải cảnh số hiệu 46102 tiến hành dàn hàng ngang, ngăn cản và ép hướng nhóm tàu cá của Việt Nam nhằm không cho vào gần khu vực giàn khoan khai thác thủy sản. Dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, tàu cá của nước ta vẫn bám sát ngư trường bảo đảm an toàn và đánh bắt ở khu vực cách giàn khoan 30-40 hải lý về phía tây nam.
Trước tình hình đó, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, chọn thời cơ tiếp cận gần giàn khoan nhằm thực hiện tuyên truyền và thực thi pháp luật; kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các lực lượng bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
L.HỘI (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)