(Phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thái Học tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 18/6)
Tôi tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhà ở hiện hành và nhiều nội dung được thể hiện trong luật. Từ thực tiễn thực hiện Luật Nhà ở tại địa phương, tôi xin được góp ý vào các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, liên quan đến quyền sở hữu nhà ở, tôi xin được góp ý vào 2 điều luật.
Điều luật thứ nhất, ở Điều 4 quy định quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở. Tại Điều 4 dự thảo luật quy định: “người có nhà ở hợp pháp có quyền sở hữu đối với nhà ở đó”. Tôi rất băn khoăn với quy định này, vì trên thực tế, người có nhà ở hợp pháp có thể là người thuê nhà để ở hoặc là người được ủy quyền để ở hoặc cũng có thể là người đang sử dụng nhà ở công vụ... Trong những trường hợp này, những người đang ở những nhà như thế được gọi là có nhà ở hợp pháp và như thế người ta có quyền sở hữu đối với nhà này không? Thực tế ở địa phương cũng có những vụ tranh chấp, khiếu kiện từ những việc ở nhờ, ở thuê để đòi quyền sở hữu. Nếu luật quy định như thế này tôi thấy không được chặt chẽ. Tôi đề nghị nên quy định theo hướng “công dân có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật”.
Điều luật thứ hai, ở Điều 11 quy định về quyền của chủ sở hữu nhà ở tại Khoản 8 quy định là “được Nhà nước xem xét bồi thường theo quy định của pháp luật khi Nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua hoặc trưng dụng”. Tôi cho rằng, ai cũng có một ngôi nhà và ai cũng mong muốn quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ. Ngôi nhà có một ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần, nơi gắn bó tình cảm, kỷ niệm của các thành viên trong một gia đình.
Do vậy, trong trường hợp Nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng thì không chỉ là người sở hữu nhà ở được Nhà nước xem xét bồi thường mà tôi đề nghị trong luật cần phải quy định người chủ sở hữu nhà ở được quyền yêu cầu để bồi thường. Nếu luật quy định là được nhà nước xem xét bồi thường thì quyền của chủ sở hữu mang tính thụ động. Đây là quyền rất cơ bản, do vậy phải được khẳng định trong luật, quyền được yêu cầu của chủ sở hữu khi Nhà nước phá dỡ nhà ở, trưng mua, trưng dụng.
Thứ hai, những quy định mang tính nguyên tắc trong phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư.
Tại Điều 36 có quy định các trường hợp phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư tại Khoản 4 có quy định “Trong trường hợp phải đầu tư xây dựng khu tái định cư để phục vụ việc di dân tại khu vực nông thôn, miền núi thì phải lập dự án và trong dự án này phải bao gồm cả xây dựng nhà ở và quỹ đất phục vụ sản xuất”. Thực tế từ địa phương chúng tôi đã chứng kiến có những khu tái định cư chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề đất để xây dựng nhà ở, đất sản xuất mà không quan tâm đến sự phát triển của các hộ gia đình. Có thể các hộ gia đình đó, tại thời điểm đó chỉ có một ngôi nhà, nhưng hộ gia đình có nhiều thành viên, người ta dựng vợ gả chồng thì yêu cầu phát triển nhà ở là một nhu cầu chính đáng. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 4 việc quy hoạch đất ở thì mới phù hợp với sự phát triển của các thành viên trong một hộ gia đình.
Ở Điều 37, các hình thức phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, tại Khoản 4 có quy định hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư tự xây dựng nhà ở trên diện tích đất được giao theo quy định của pháp luật nếu có. Tôi rất băn khoăn ở từ “nếu có”, bởi vì trên thực tế hình thức phát triển nhà ở khu vực nông thôn khi tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân thường tự xây dựng nhà ở khi được giao đất và hỗ trợ kinh phí. Nếu chúng ta xác định hình thức này là một hình thức “nếu có” thì không phù hợp. Tôi đề nghị phải khẳng định đây là một hình thức mang tính phổ biến và được pháp luật quy định chứ không phải là “nếu có”, nếu có thì có cũng được mà không có cũng được, luật mà quy định như thế là không được.
Thứ ba, ở Điều 172 quy định thanh tra thực hiện pháp luật về nhà ở. Tôi cho rằng trong điều kiện quản lý nhà ở hiện nay, công tác thanh tra có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vi phạm trong lĩnh vực nhà ở cần phải được thanh tra phát hiện kịp thời và xử lý. Nhưng điều luật này quy định có hai khoản, Khoản 1: “Cơ quan thanh tra có thẩm quyền ở Trung ương chịu trách nhiệm thanh tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở trong phạm vi cả nước”. Ở địa phương thì cơ quan thanh tra có thẩm quyền ở địa phương chịu trách nhiệm thanh tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở tại địa phương. Quy định như thế này rất chung chung, tôi đề nghị phải quy định rất cụ thể quyền, nghĩa vụ của cơ quan thanh tra nhà ở ở cấp Trung ương, ở cấp địa phương như thế nào. Chứ còn quy định chung chung như thế này sẽ không phát huy được vị trí, vai trò của thanh tra nhà ở.