Kết luận phiên thảo luận tại hội trường ngày 17/6 về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung dự thảo luật lần này có rất nhiều đổi mới và có sự đột phá, cải cách mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và cụ thể hóa thực thi Hiến pháp.
Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ và giải trình, báo cáo tại Quốc hội kỳ họp sau.
Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp
Các đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), La Ngoc Thoáng (đoàn Cao Bằng) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Theo đó, Luật Doạnh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở cụ thể hóa nội dung và tinh thần về quyền tự do kinh doanh đã được quy định tại Điều 33 và liên quan tại các Điều 50, 51, 52 của Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng về ngành nghề, điều kiện kinh doanh tại Điều 7 là một điều quan trọng vì liên quan đến nguyên tắc doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm được quy định trong Hiến pháp. Trên thực tế, đã có không ít rào cản vướng mắc hay vùng cấm đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Đại biểu nhất trí với dự thảo luật là cần làm rõ sự thống nhất về thẩm quyền của Chính phủ đối với việc ban hành các danh mục, ngành nghề, điều kiện kinh doanh cũng như việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm nhằm tháo gỡ những bất cập hiện nay.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, mặc dù, hiện nay các ngành nghề bị cấm kinh doanh ban hành rất nhiều cấp độ văn bản pháp luật khác nhau thuộc thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Nhưng tất cả đều là văn bản quy phạm pháp luật và nội dung này chỉ nên quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) bày tỏ xương sống quyết định tính khả thi của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là danh mục ngành nghề cấm hoạt động kinh doanh cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh để Quốc hội xem xét và cho ý kiến nhưng nội dung lần này lại giao cho Chính phủ ban hành.
Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần cụ thể danh mục, ngành nghề cấm hoạt động kinh doanh và quy định cụ thể danh mục, nguyên tắc, thủ tục, lộ trình thực hiện, thời gian cụ thể để ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh; cần phải thể chế hóa trong một văn bản do Chính phủ ban hành để thuận lợi cho việc tham chiếu, đồng thời, cần xem xét xử lý các phương án giải quyết các hoạt động giao thời, nhất là các hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở trường hợp ngành nghề kinh doanh trước đây chưa cấm nhưng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này cấm kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi sắp xếp kinh doanh có hiệu quả hơn.
Đồng tình với các ý kiến của đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Thị Huệ (đoàn Đắc Lắk) và Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị, Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt về thủ tục đầu tư và kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, nhằm tuân thủ nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và phù hợp với lộ trình cam kết WTO và các cam kết PPP trong thời gian tới.
Ngoài ra, để bảo đảm đồng bộ với các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế ở các ngành, lĩnh vực, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng các điều kiện khuyến khích hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhưng nên tách bạch thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về điều kiện kinh doanh.
Cần có chế định về công tác hậu kiểm
Về vai trò quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được quy định tại Chương II của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang), dự thảo luật quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp chưa chặt chẽ, tạo khe hở, có thể lợi dụng và thiếu sự quy định của nhà nước trong một cơ quan đầu mối. Do đó, có thể tạo sự chồng chéo và thiếu sự hậu kiểm, theo dõi trong việc đăng ký hoạt động cũng như trong việc triển khai thực hiện, đây là sự tồn tại lớn nhất trong hoạt động quản lý doanh nghiệp.
Nhà nước chỉ theo dõi việc đăng ký doanh nghiệp, còn doanh nghiệp triển khai thực hiện hoặc doanh nghiệp khó khăn thì chưa có một cơ quan đầu mối nào theo dõi để kiểm tra, thực hiện vấn đề hỗ trợ. Với quan điểm xây dựng Luật Doanh nghiệp tạo sự thông thoáng, do đó công tác hậu kiểm rất cần thiết trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này.
Đại biểu Ánh Tuyết đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hoạt động hậu kiểm, tránh trường hợp đơn giản thủ tục chỗ này lại xuất hiện phức tạp chỗ khác.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần tạo điều kiện tốt nhất để tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, tạo sự cạnh tranh và nâng cao mức độ cạnh tranh lành mạnh trong thị trường. Đồng thời, cần phải giải quyết triệt để hơn trật tự cạnh tranh thông qua hoạt động giám sát có hiệu quả và quy định cách thức quản lí của nhà nước, nhằm đảm bảo quản lí nhà nước thật hiệu quả và kích thích nền kinh tế phát triển.
Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tôn trọng nguyên tắc nền tảng là bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đề nghị, phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lạm dụng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu từ quyền tự do ra nhập thị trường tức là thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, đại biểu ủng hộ hướng đơn giản hóa thành lập doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh cũng bao hàm trong nó giới hạn không làm phương hại tới xã hội hay lợi ích của người khác. Vì vậy, để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật này để bảo đảm rằng các doanh nghiệp đã đăng ký để hoạt động kinh doanh, không phải là doanh nghiệp ma lập ra để mua bán hóa đơn để lừa đảo.
Cũng liên quan về vấn đề hậu kiểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), cho biết qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2005, Việt Nam có gần 200.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, đến năm 2013 có trên 621.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, tức là tăng gấp 3 lần so với năm 2005.
Mỗi năm, có trên 53.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, trong số 621.000 doanh nghiệp thì chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 doanh nghiệp đang ra sao, như thế nào nhà nước không quản lý được.
Vì vậy, cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.
Theo TTXVN/Vietnam+