Thứ Tư, 27/11/2024 02:54 SA
Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng loại đối tượng, hộ nghèo
Thứ Bảy, 07/06/2014 17:10 CH

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh

Sáng 7/6, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát và thảo luận ở hội trường về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù có nhiều kết quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo nhưng nhiều đại biểu cũng cho rằng việc giảm nghèo còn thiếu bền vững.

 

Theo báo cáo giám sát, ở cấp quốc gia thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gi và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005-2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo khoảng 2,3-2,5%.

 

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy còn nhiều tồn tại trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Đó là tỉ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỉ lệ hộ nghèo dưới 10%, đó là Đông Nam bộ (1,27%), Đồng bằng sông Hồng (4,89%) và Đồng bằng sông Cửu Long (9,24%); các vùng có tỉ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc (28,55%), miền núi Đông Bắc (17,39%) và Tây Nguyên (15%); có 1/5 số tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%. Bên cạnh đó, tỉ lệ hộ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 50% trong tỉ lệ nghèo chung cả nước ) là khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới, hầu hết các huyện 30a là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đánh giá về tình hình thực hiện các chính sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, các chính sách tín dụng, dạy nghề… đã mang lại nhiều tác dụng giúp cho người nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế. Cụ thể như: tổng nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo mặc dù nguồn vốn này đã tăng từ 14.891 tỉ đồng năm 2005 lên 41.560 tỉ đồng năm 2012 (gấp 2,8 lần so với năm 2005); chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả của chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm nên chưa khẳng định được hiệu quả giữa việc cho vay gắn với tạo việc làm ổn định cho người nghèo; số người nghèo được đào tạo làm nghề mới không nhiều, phần lớn vẫn làm nghề cũ (80%), chủ yếu là đào tạo ngắn hạn; hầu hết các địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách địa phương cũng như huy động các nguồn khác để lồng ghép với ngân sách trung ương trong đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề...

 

Thảo luận ở hội trường về giải pháp để cho người nghèo thoát nghèo bền vững, các đại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đều cho rằng cần có sự phân loại các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó chính sách hỗ trợ cho từng loại đối tượng, tránh tình trạng những đối tượng đang hưởng hỗ trợ lười lao động, không muốn thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp. Còn theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn. Bởi thực tế, doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này do rủi ro cao, lợi nhuận thấp.

 

Theo đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam), cần phân loại người nghèo thành 4 nhóm: nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động nhưng lười lao động. Từ đó sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp hạn chế tư tưởng xin được nghèo.

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, trong hỗ trợ người nghèo vừa qua có thực tế là ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo thậm chí phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động. Theo ông Vinh, việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo thoát nghèo. Đồng ý với quan điểm của một số đại biểu là giúp đỡ có điều kiện, ông Vinh cho rằng có thể hỗ trợ cho người nghèo trong 2 năm và yêu cầu cam kết vươn lên. 

 

Bên cạnh đó cũng cần thay đổi tiêu chuẩn hộ nghèo (hiện thành thị là 500.000 đồng/người/tháng và nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng) vì thực tế tiêu chí này chưa thay đổi nên dù số người nghèo giảm nhưng nhiều nơi, nhiều người xin ở lại làm hộ nghèo vì dù thoát nghèo nhưng thực tế thu nhập không đủ sống. Cùng với đó là tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek