Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.
Các ý kiến đều tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam trong việc lựa chọn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích và nguyện vọng gắn bó với quê hương, đất nước của họ.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước, phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013, đặc biệt là các quy định tại khoản 1, khoản 3 điều 17 của Hiến pháp. Theo đó, công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam; công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam bảo hộ.
Các đại biểu cho rằng cần sửa đổi, bổ sung luật theo hướng bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, đồng thời bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (trên cơ sở luật hóa một số quy định về đăng ký giữ quốc tịch tại Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ).
Cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, các đại biểu chung quan điểm rằng đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm cũng là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Thực tế cho thấy, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và ở các cấp hành chính tỉnh, huyện, xã vừa qua cho thấy mặc dù mới thực hiện được một lần nhưng đã được đại bộ phận nhân dân đồng tình ủng hộ.
Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son (Hà Nội), việc lấy phiếu tín nhiệm đã đi đúng hướng, đúng lòng dân, đúng nghị quyết của Đảng, đúng yêu cầu của sự phát triển. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng mức độ tín nhiệm của cán bộ, giúp cán bộ thấy được năng lực và mức độ tín nhiệm của mình để nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng đoàn kết nội bộ; đồng thời để các cơ quan quản lý cán bộ các cấp xem lại công tác đánh giá cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc hơn.
Các đại biểu cho rằng việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, đúng pháp luật. Một số bộ trưởng vừa qua có số phiếu tín nhiệm thấp đã có rất nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành hoạt động của ngành, tạo hiệu quả chuyển biến rõ rệt.
Theo đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) việc lấy phiếu tín nhiệm đã làm tăng vị thế của cơ quan dân cử. Liên quan đến thời gian lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, đối tượng điều chỉnh, phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Trong khi đa số đại biểu đồng tình với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND như đã quy định tại Nghị quyết số 35 bởi ngay từ tên gọi của nghị quyết đã xác định rõ đây là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu Chu Sơn Hà và Bùi Thị An (Hà Nội) lại cho rằng cần mở rộng phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Do đó, cần thay hoàn toàn Nghị quyết 35/2012/QH13 và các văn bản liên quan bằng một nghị quyết mới.
Có ý kiến đề xuất nên xem xét theo hướng không nên lấy phiếu tín nhiệm với những người thuộc cơ quan dân cử. Đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc mở rộng lấy phiếu tín nhiệm đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vì theo Hiến pháp quy định chức danh này do Quốc hội phê chuẩn.
Thảo luận về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến đại biểu chỉ để ở 2 mức là “Tín nhiệm” và “Không tín nhiệm” trong khi một số ý kiến khác đề nghị phiếu tín nhiệm vẫn nên để ở ba mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp” như quy định của Nghị quyết số 35.
Theo quan điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm bởi mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giúp người đó tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, thiếu sót. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là căn cứ cho việc bỏ phiếu tín nhiệm và giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Song, một số đại biểu cho rằng việc xác định 3 mức tín nhiệm như quy định của nghị quyết là quá thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.
Đồng tình với việc quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm, các đại biểu các đại biểu Chu Sơn Hà, Trịnh Thế Khiết, Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng nếu giữ 3 mức tín nhiệm như dự thảo nghị quyết, cách giải thích cần khoa học, hợp lý hơn.
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để xách định cán bộ đó được tín nhiệm đến đâu, nếu thấp phải đề ra phương án để khắc phục, đưa ra 2 mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm sẽ thấy được rõ ràng, không chung chung, đồng thời các đại biểu cũng thấy rõ hơn. Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri đặt vấn đề căn cứ vào đâu mà đánh giá người này tín nhiệm cao, người kia tín nhiệm hay tín nhiệm thấp nhưng cá nhân đại biểu rất khó trả lời.
Cho ý kiến về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, có đại biểu cho rằng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hàng năm, song có ý kiến đề nghị chỉ nên lấy một lần vào giữa kỳ hoặc 2 lần vào đầu và cuối kỳ.
Lý giải của đại biểu cho thấy cả kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần là quá ít trong khi nếu một năm lấy tín nhiệm một lần là quá nhiều. Theo đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội), nếu lấy tín nhiệm hàng năm không khéo sẽ gây bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Đại biểu thống nhất chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm 1 lần ở kỳ thứ 2 của năm thứ 3, chỉ lấy một lần để nâng cao tính tự giác của cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác, giúp cho việc đánh giá cán bộ đó vào nhiệm kỳ tiếp theo. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, thời điểm lấy phiếu là cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị lấy phiếu tín nhiệm vào đầu kỳ để khẳng định thực chất quá trình công tác của cán bộ, từ đó họ có bước điều chỉnh và lấy tín nhiệm vào cuối kỳ là để gối đầu cho nhiệm kỳ sau.
Đại biểu Bùi Thị An đề xuất nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, sau năm đầu và sau năm thứ 3, như vậy là vừa đủ thời gian thực tiễn để cán bộ điều chỉnh mình và điều chỉnh công việc của mình. Các đại biểu cũng cho rằng nếu cán bộ có mức độ tín nhiệm thấp (dưới 50%) thì nên vận động từ chức luôn và nên x ây dựng nếp văn hóa từ chức, sau này làm tốt có thể lại sắp xếp trở lại.
Thảo luận về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town, các đại biểu thống nhất quan điểm của Ủy ban Đối ngoại, cho rằng việc gia nhập này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam, góp phần tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của thị trường vận tải hàng không Việt Nam, có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiệm cận với pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế.
Theo TTXVN, Vietnam+