Thứ Tư, 27/11/2024 11:52 SA
“Tranh chấp biển Đông có nguy cơ thành khủng hoảng toàn cầu"
Thứ Tư, 04/06/2014 11:33 SA

Tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam liên tục vây ép, sử dụng vòi rồng phun nước về phía các tàu chấp pháp của Việt Nam (Ảnh chụp ngày 1/6). - Ảnh: TTXVN

* Đại sứ Việt Nam tại LHQ phản đối hành động của Trung Quốc

 

Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3/6 tại thủ đô Washington, các học giả đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc. Các học giả cho rằng các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

 

Các học giả tham dự hội thảo có ông Robert Daly, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc; bà Yun Sun, thành viên Trung tâm Stimson; ông Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore, Trung Quốc và Indonesia. Hai học giả được mời với tư cách diễn giả chính đến từ Philippines và Việt Nam là bà Aileen Baviera, Giáo sư trường Đại học Philippines và Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.

 

Các học giả tham dự hội thảo đã đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là "đường 9 đoạn". Ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, nhấn mạnh “đây là căn nguyên của mọi vấn đề” dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông. Ông khẳng định "đường 9 đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không có vị trí địa lý rõ ràng, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc. Bản thân nội bộ Trung Quốc cũng còn quan điểm trái ngược về "đường 9 đoạn".

 

Ông Hoàng Anh Tuấn kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan cần yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ về "đường 9 đoạn" này. Ông nhấn mạnh thế giới “cần phải thấy đường lưỡi bò là phi pháp, không có cơ sở pháp lý. Như thế mới hết căng thẳng trong vùng biển Đông”.

 

Trong khi đó, bà Aileen Baviera, Giáo sư trường Đại học Philippines, nhấn mạnh đến hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền trong khuôn khổ "đường chín đoạn" với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang. Ông Robert Daly, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc, cho rằng các bên liên quan trong tranh chấp tại biển Đông vẫn chưa nhất trí với nhau về bản chất của các tranh chấp này và vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. 

 

Ông cho rằng vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế mà dựa vào các “quyền lịch sử”. Ông đặt câu hỏi về vấn đề bằng chứng pháp lý ra sao, vai trò của luật phát quốc tế và khuôn khổ nào để giúp giải quyết các tranh chấp này.

 

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington, Viện trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động xâm lấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Cho đến nay, Trung Quốc vẫn hết sức hung hăng, cản phá, đâm vào các tàu thuyền của Việt Nam và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ rút giàn khoan ra trước ngày 15/8 tới. Việt Nam đang tranh thủ tất cả mọi biện pháp, cơ hội có thể để giải quyết một cách hòa bình trong việc buộc Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Trong các giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi có việc đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

 

Về giải pháp đối với vấn đề biển Đông, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và sự hỗ trợ của các nước lớn, trong đó có Mỹ, trong việc củng cố sự đồng thuận và các thể chế của hiệp hội nhằm giúp giải quyết tranh chấp. Tuyên bố của ASEAN vừa qua về vấn đề biển Đông là tuyên bố mạnh nhất từ trước tới nay. Các ngoại trưởng ASEAN đã nhấn mạnh ASEAN đặc biệt quan ngại về các diễn biến ở biển Đông, khẳng định việc giải quyết vấn đề Biển Đông trước tiên phải dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như các văn bản liên quan khác giữa Trung Quốc và ASEAN. Các học giả nhấn mạnh cần sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) và phải có cơ chế đảm bảo thực thi COC có hiệu quả. Về căng thẳng đang diễn ra hiện nay, một số học giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước, nhất là vai trò của truyền thông Trung Quốc cần có cái nhìn công bằng để định hình đúng đắn dư luận nước này trong các căng thẳng và tranh chấp chủ quyền nói chung ở biển Đông.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trình bày về tình hình biển Đông tại hội thảo ngày 3/6 ở Brusssels, Vương Quốc Bỉ. - Ảnh: Vietnam+

 

* Chiều 3/6, tại thủ đô Brussel (Bỉ), Phòng Thương mại và Công nghiệp Bỉ-Việt phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại đây đã tổ chức hội thảo “Các sự kiện tại biển Đông: Khía cạnh pháp lý và hệ lụy về thương mại”. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã thông báo tóm tắt việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông từ đầu tháng 5 vừa qua; việc Trung Quốc dùng tàu với sự yểm trợ của máy bay tấn công và đâm vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đe dọa an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực.

 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông và khẳng định Việt Nam coi trọng đầu tư từ Bỉ và châu Âu. Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu sang Việt Nam và hy vọng Việt Nam và EU sớm đạt được Hiệp định thương mại tự do để tạo điều kiện cho đầu tư giữa hai bên. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột.

 

Thay mặt nhóm các nghị sĩ EU, nghị sĩ Marc Tarabella phụ trách các vấn đề ASEAN tại Nghị viện châu Âu bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông. Ông cho rằng những căng thẳng trên biển sẽ ảnh hưởng tới thương mại trên thế giới. Ông Tarabella khẳng định EU sẽ làm trung gian hòa giải trong vấn đề này nhằm giúp các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra một thỏa thuận chung phù hợp.

 

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở biển Đông, hội thảo nhằm mục đích giải thích rõ những khái niệm về pháp luật và thương mại, đồng thời chỉ ra rằng nếu căng thẳng trên biển Đông không được giải quyết thì nó sẽ gây hậu quả không chỉ cho khu vực Đông Nam Á mà còn ảnh hưởng tới nhiều nơi trên thế giới. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Bỉ về những diễn biến hiện nay trên biển Đông.

 

* Ngày 2/6, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gặp ông Jeffrey Feltman, Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị, để tiếp tục thông báo với Liên Hợp Quốc về những diễn biến mới liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Trong cuộc gặp trên, đại sứ Lê Hoài Trung đã cực lực phản đối hành động ngang ngược nói trên của Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, và máy bay đến hoạt động tại vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Đại sứ cũng thông báo với Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc việc các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương. 

 

Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định những việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế; Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe doạ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Đại sứ đồng thời nêu rõ những cơ sở pháp lý, lịch sử, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định xuất phát từ chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đi vào đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt. Đại sứ đề nghị Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực.

 

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Jeffrey Feltman hoan nghênh chủ trương của Việt Nam, mong muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở biển Đông. Ông Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông, và kêu gọi các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

 

H. TRỌNG  (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek