(Trích bài phát biểu của Phó đoàn ĐBQH Phú Yên Đặng Thị Kim Chi tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, ngày 3/6)
Tôi thống nhất cao với tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đây là lần đầu cho ý kiến luật này nên tôi xin có một số ý kiến thể hiện quan điểm của mình như sau:
Thứ nhất, về việc thành lập tòa án nhân dân cấp cao, tôi không thống nhất với dự thảo khi đưa các tổ chức tòa án nhân dân cấp cao vào hệ thống tổ chức của tòa án nhân dân. Vì đây không phải là một cấp tòa án nên chưa xác định tòa án nhân dân cấp cao đặt ở vị trí nào, có bao nhiêu tòa án nhân dân cấp cao trên địa hạt tư pháp và mối quan hệ giữa tòa án cấp cao với tòa án cấp tỉnh như thế nào. Khi thành lập tòa án cấp cao thì có làm cồng kềnh bộ máy của cả hệ thống hay không, ban soạn thảo có tính được sẽ tăng bao nhiêu biên chế khi thành lập tòa án cấp cao? Vì tổ chức tòa án cấp cao chưa có trong thực tế, tôi đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ.
Thứ hai, về việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp: “Việc thành lập tòa án khu vực sẽ tăng cường tính độc lập của tòa án nhân dân cấp khu vực trong xét xử”. Tôi cho rằng lý do trên không thuyết phục, vì dù có độc lập trong xét xử thì tòa án cũng phải đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự giám sát của HĐND. Nếu thành lập tòa án khu vực thì HĐND cấp nào sẽ giám sát và bầu hội thẩm nhân dân tòa án khu vực. Đồng chí chánh án phải được tham gia cấp ủy, vậy thì sẽ tham gia ở cấp ủy nào? Sự phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, thi hành án như thế nào? Có thành lập cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án khu vực hay không? Có gì khác giữa tòa án khu vực và tòa án cấp huyện? Sự đồng bộ trong hệ thống tư pháp như thế nào? Nếu cho rằng thành lập tòa án khu vực với lý do “để tránh lãng phí” cũng không đúng. Vì hiện nay ở các huyện đều xây dựng trụ sở tòa án, nếu thành lập tòa án khu vực thì sẽ xây dựng trụ sở tòa án khu vực và hệ thống tòa án của các huyện sẽ sử dụng để làm gì và bộ máy nhân sự của ngành sẽ tăng bao nhiêu biên chế có phù hợp với quy định sẽ không tăng biên chế không? Những cán bộ quản lý là chánh án, phó chánh án cấp huyện dù không bị kỷ luật nhưng lại bị giáng chức sẽ phát sinh nhiều tâm tư, có ảnh hưởng đến hiệu quả công việc hay không. Những vấn đề bất cập này không chỉ trong ngành tòa án mà cả các ngành tư pháp khác như viện kiểm sát, thi hành án, cơ quan điều tra cũng phải giải quyết cho đồng bộ.
Điều quan trọng nhất khi thành lập tòa án khu vực sẽ làm cho người dân đi lại khó khăn do địa bàn rộng, trụ sở các cơ quan tư pháp ở xa. Như vậy không đúng với tinh thần cải cách tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và để gần dân. Ngay cả cán bộ tòa án khu vực cũng phải đi làm xa rất khó khăn. Cả hai nội dung: tòa án cấp cao cũng như tòa án sơ thẩm khu vực đều là những nội dung rất mới nhưng hết sức quan trọng. Tôi cho rằng phải có lộ trình, có thí điểm, có tổng kết, đánh giá việc thực hiện trước khi luật hóa.
Thứ ba, về nhiệm kỳ của thẩm phán, tôi thấy băn khoăn với cả hai phương án, bởi vì không phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị ở nước ta là được bầu, bổ nhiệm có thời hạn (kể cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ). Đối với ngành tòa án nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung giữ vị trí rất quan trọng trong xã hội là bảo vệ công lý nên nếu có sai phạm sẽ làm mất lòng tin của nhân dân rất lớn. Bởi vì khi người dân không tin vào công lý thì họ sẽ không còn biết tin vào cái gì nữa, mà khi người dân không còn niềm tin thì sẽ là hậu họa khôn lường đối với xã hội. Thực tế ngành tòa án không phải không có những thẩm phán yếu kém chuyên môn, hạn chế về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật. Nếu bổ nhiệm suốt đời thì e rằng họ sẽ ỷ lại có sự chây ỳ, không phấn đấu và sai phạm sẽ tăng hơn. Do đó, tôi đề nghị bổ nhiệm thẩm phán nên thống nhất ở các cấp như hiện nay, sau thời gian 5 năm sẽ có đánh giá hiệu quả công việc, việc tuân thủ pháp luật, phẩm chất đạo đức để xem xét bổ nhiệm tiếp.
Có đại biểu trước tôi cho rằng việc bổ nhiệm lại sẽ qua nhiều khâu, thủ tục rườm rà, mất thời gian. Nếu như vậy, chúng ta phải xem xét để có đổi mới thủ tục bổ nhiệm cho phù hợp chứ không phải vì lý do này mà lại cho phép bổ nhiệm thẩm phán suốt đời. Còn nếu như khi chờ bổ nhiệm lại, thẩm phán có lo lắng thì tôi cho đó là lo lắng cần thiết để thẩm phán tự soi lại mình xem nhiệm kỳ qua đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của một thẩm phán hay chưa, có vi phạm gì không để phấn đấu tiếp. Nếu đã là thẩm phán tốt, có uy tín thì không phải lo lắng quá nhiều. Quy định bổ nhiệm thẩm phán có thời hạn sẽ tạo động lực để thẩm phán phấn đấu rèn luyện, trau dồi chuyên môn, đạo đức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và cũng phù hợp với nguyên tắc hoạt động của cả hệ thống chính trị ở nước ta. Mặt khác, tôi cũng đề nghị luật cần có cơ chế bảo vệ thẩm phán để thẩm phán hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ tư, về tuổi nghỉ hưu của thẩm phán (Điều 59) theo Khoản 1 dự thảo thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được nghỉ khi 65 tuổi. Theo tôi không nên quy định tuổi nghỉ hưu của thẩm phán trong luật mà nên theo quy định của Bộ luật Lao động mà Quốc hội vừa ban hành và Luật Cán bộ, công chức chứ không nên quy định tăng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán tối cao trong luật này, sẽ tạo tiền lệ sau này ngành nào cũng viện lý do do yếu tố đặc thù hoặc quan trọng của ngành mình mà có quy định tuổi nghỉ hưu riêng cho ngành mình là không đúng, tạo sự thiếu thống nhất, không đồng bộ trong khi ban hành và thực thi luật.
Thứ năm, về tiêu chuẩn thẩm phán, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán tại Khoản 1, Điều 52, về tiêu chuẩn thẩm phán ghi: “có hiểu biết xã hội phong phú”, hoặc Khoản 3, Điều 53 phương án 1, Khoản 4 của phương án 2 về điều kiện bổ nhiệm thẩm phán “là người giữ chức vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức Trung ương”, “am hiểu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao” hoặc “có uy tín cao trong xã hội”. Tôi cho rằng điều kiện của thẩm phán phải là người có trình độ chuyên sâu về pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn trong xét xử vì họ bảo vệ cán cân công lý. Quy định như những câu từ trên quá chung chung, không thể nào đo đếm được, thế nào là “hiểu biết xã hội phong phú”, thế nào là “am hiểu”, thế nào là “có uy tín cao”. Cần có quy định cụ thể hơn để không bị vận dụng tùy tiện trong khi thực thi luật.