Thứ Năm, 28/11/2024 13:39 CH
Cần nghiên cứu lại các trường hợp không hưởng bảo hiểm Y tế
Thứ Bảy, 24/05/2014 09:14 SA

ĐBQH Đặng Thị Kim Chi phát biểu thảo luận - Ảnh: N.TUẤN

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. ĐBQH Đặng Thị Kim Chi, Phó đoàn ĐBQH Phú Yên tham gia phát biểu về vấn đề này. Báo Phú Yên trích đăng ý kiến trên. 

 

Thứ nhất, tại Khoản 7, Điều 2 có ghi: “Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu”. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại khái niệm này, bởi vì ở thực tế theo Luật Cư trú hiện nay (nhất là ở đô thị) có nhiều người có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không phải là thành viên của hộ gia đình. Do đó tôi đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng: “Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm toàn bộ thành viên của hộ gia đình có tên trong sổ hộ khẩu”. 

 

Thứ hai, tại Khoản 1, Điều 2 có ghi: “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc”. Trong phát biểu tại kỳ họp trước, tôi thể hiện sự băn khoăn với hình thức “bảo hiểm bắt buộc”, bởi vì sợ không khả thi, không có biện pháp chế tài xử lý và việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất của các cơ sở y tế còn chưa bảo đảm. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 lần này, tôi ủng hộ việc đưa vào Luật: 

 

 “Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc” với nhiều lý lẽ mà các đại biểu trước tôi đã phân tích. Khi quy định như vậy thì Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm đối tượng chính sách xã hội và cấp ủy, chính quyền cũng như đoàn thể sẽ vào cuộc một cách quyết liệt thì sẽ khắc phục được những tồn tại, yếu kém cả về cơ sở vật chất và tinh thần thái độ của y, bác sĩ trong khám, chữa bệnh đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, khi đó BHYT sẽ hấp dẫn hơn, mọi người tham gia đông hơn, sẽ dần dần tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo lộ trình.

 

Thứ ba, về mức hưởng bảo hiểm y tế, quy định tại Điều 22 đối với nhóm đối tượng quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 17, đó là người hưởng lương hưu, trợ cấp, mất sức lao động hàng tháng phải đóng 5% cùng chi trả. Tôi đề nghị cần xem lại quy định này, bởi vì trong số đối tượng là người hưởng lương hưu, có những người đã 80 tuổi nhưng họ không được hưởng chế độ trợ cấp dành cho người cao tuổi do có lương hưu (mặc dù mức lương đó không cao, đời sống của họ còn khó khăn). Trong khi có những người có lương hưu vì họ tự kinh doanh, họ làm nghề tự do, họ có tích lũy, đời sống khá giả (có thể gửi tiết kiệm ngân hàng tiền tỉ hoặc để lại những công ty cho con kinh doanh). Như vậy tuy họ không nhận lương hưu từ nguồn chi trả của bảo hiểm xã hội, nhưng tự trả lương hưu cho mình rất cao bằng việc nhận lãi suất ngân hàng hoặc qua con cái của họ, nhưng họ vẫn được nhận trợ cấp người già hàng tháng, đó là sự không công bằng. Nếu Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lần này quy định người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng phải đóng 5% cùng chi trả, trong khi người 80 tuổi thuộc đối tượng trên lại không phải cùng chi trả mà bảo hiểm chi trả 100% thì sẽ nảy sinh vấn đề, từ sự không công bằng này dẫn đến sự không công bằng khác còn lớn hơn. Qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản đối rất nhiều, đề nghị Ban soạn thảo rà soát cân nhắc để có quy định phù hợp đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.

 

Thứ tư, các trường hợp không hưởng bảo hiểm y tế tại Điều 23, tôi đề nghị với đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều 23 là: “Xét nghiệm chẩn đoán thai nhi không nhằm mục đích điều trị” cũng được bảo hiểm y tế chi trả. Vì khi phụ nữ mang thai thường xét nghiệm chẩn đoán thai nhi để khám sàng lọc trẻ sơ sinh, kiểm tra sức khỏe thai nhi, nếu phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh thì có thể loại bỏ khi còn là bào thai để không phải sinh ra những đứa bé bị dị tật về hình hài và não bộ, là gánh nặng của gia đình và xã hội. Tuy chẩn đoán thai nhi không điều trị nhưng rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để loại hình này cũng được BHYT chi trả.

 

Thứ năm, về phân bổ, sử dụng và quản lý Quỹ bảo hiểm y tế tại Điều 35, tôi đề nghị cân nhắc quy định cụ thể 10% dành cho Quỹ dự phòng quản lý bộ máy tổ chức bảo hiểm y tế sử dụng vào mục đích gì? Chi cho phát triển bảo hiểm y tế là bao nhiêu phần trăm? Chi cho đầu tư phát triển về con người, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất... là bao nhiêu? Đề nghị phải có hỗ trợ cho địa phương để phát triển mở rộng bảo hiểm y tế, nhất là ở cấp xã. Vì thực tế tất cả những văn bản đều đưa về xã triển khai. Theo luật này UBND xã phải gánh thêm nhiệm vụ tham gia BHYT, nếu không có kinh phí cho xã thì sẽ rất khó khăn trong triển khai thực hiện.

 

Về quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, tại khoản 3, Điều 35 quy định nếu Quỹ bảo hiểm y tế ở địa phương kết dư thì phải nộp toàn bộ vào quỹ của Trung ương, nhưng ở khoản 4 lại quy định là nếu vượt chi thì địa phương phải bù vào 20% của phần bội chi, điều đó không hợp lý và không công bằng. Bởi vì nếu như năm trước dư thì phải nộp hết lên trên, không giữ lại được một khoản nào để chi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế. Trong khi năm sau nếu như bị bệnh nhiều, chuyển tuyến trên nhiều, bị thiếu thì ngân sách tỉnh lại phải bù vào 20%. Đối với những tỉnh nhỏ, nguồn ngân sách hạn hẹp, đối tượng tham gia thấp do không thể có kinh phí để hỗ trợ thêm cho đối tượng từ ngân sách địa phương thì lấy đâu ra để bù chi 20%. Do đó, tôi đề nghị nếu như quy định khi bội chi tỉnh phải bù 20% thì khi kết dư cũng được trích lại 20% cho ngân sách địa phương để sử dụng vào việc phát triển bảo hiểm y tế và tham gia tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của địa phương.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek