Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá Chính phủ đã kiên trì điều hành các chính sách kinh tế đề ra là “tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, trong các chỉ tiêu KT-XH có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 9 chỉ tiêu đạt cao hơn; 4 chỉ tiêu không đổi và 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn. Các cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì theo hướng ổn định hơn.
Cụ thể một số chỉ tiêu như: Mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 5,42%, gần đạt kế hoạch (5,5%) và cao hơn so với mức tăng 5,25% năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,8% của năm 2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần kể từ tháng 5/2011, cả năm 2013 chỉ tăng 6,04%, là mức tăng thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Tạo việc làm mới được 1,543 triệu người, đạt xấp xỉ kế hoạch 1,6 triệu người, trong đó giải quyết việc làm trong nước tăng 1,04%, lao động làm việc tại nước ngoài tăng 10% so với năm 2012.
Đa số ý kiến cho rằng kết quả trên là do Chính phủ kiên trì điều hành các chính sách kinh tế theo mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội là “tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”; các cân đối lớn bảo đảm, hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định, nhờ cán cân thương mại xuất siêu và nguồn kiều hối tăng mạnh, ngoại tệ thặng dư lớn đã gia tăng dự trữ ngoại hối, thị trường ngoại hối khá ổn định. Lãi suất huy động và cho vay giảm đáng kể so với cuối năm 2012.
Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra phong trào lan tỏa; mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vẫn được ưu tiên và bảo đảm; việc thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ và có tiến bộ so với năm trước; hoạt động dạy nghề tiếp tục phát triển, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm.
Những tháng đầu năm 2014, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, cùng với xu hướng chuyển biến tích cực trong hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng trong năm 2013 của kinh tế trong nước, kinh tế nước ta sẽ có thêm động lực tăng trưởng cho năm 2014 và tạo xu hướng tốt cho trung hạn.
Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, nhất là nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại. Đời sống một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn nhiều khó khăn, còn có chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới. Trật tự, an toàn xã hội, môi trường vẫn còn nhiều vấn đề chậm được xử lý. Một số vụ án tham nhũng lớn gây bức xúc dư luận xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thẩm tra, ủy ban cơ bản tán thành những đánh giá tại báo cáo của Chính phủ. Kết quả 4 tháng là tích cực: Tăng trưởng GDP quý I cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; tỉ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp; thu ngân sách đạt khá so với dự toán; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm; thanh khoản của các ngân hàng thương mại tiếp tục dồi dào; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; cán cân thương mại xuất siêu; cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực hơn. An sinh xã hội được bảo đảm.
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn đối với những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây có thể là cứu cánh cho nền kinh tế nói chung và giúp ổn định nền kinh tế và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cơ bản tán thành nhiều nội dung mà báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc với các thành tựu và hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở đó, ông Minh cho rằng phải khẳng định những thành tựu trong năm 2013 so với năm trước như các chỉ tiêu KT-XH, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng năng suất lao động, an sinh xã hội được bảo đảm.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, lo lắng khi tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có dấu hiệu giảm trong khi cứ nói nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế và đa phần người nông dân. Hiện tượng người dân bỏ ruộng khi tiếp xúc cử tri không phải là hiếm như ở Hà Tĩnh.
(Chinhphu.vn)