* Cộng đồng quốc tế tiếp tục chỉ trích hành động của Trung Quốc
Sáng 15/5, đúng theo kế hoạch, các biên đội tàu của cảnh sát biển Việt Nam đã tiến vào mục tiêu, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép. Các tàu Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng lớn tàu để bảo vệ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hơn 8 giờ sáng, tàu cảnh sát biển 8003 đã hướng vào giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, song bị lực lượng tàu chấp pháp Trung Quốc ngăn cản. 8 giờ 30, tàu cảnh sát biển 8003 chỉ còn cách giàn khoan 7,5 hải lý. Nhưng ngay lập tức, tàu Trung Quốc mang số hiệu 3411 tiếp tục theo sát tàu cảnh sát biển 8003, thực hiện ngăn cản.
Lúc 8 giờ 40, tàu 3411 của Trung Quốc theo sát tàu 2016 của cảnh sát biển Việt Nam sau đó thực hiện cắt mũi tàu cảnh sát biển 8003. Đến 9 giờ, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 2112 bất ngờ tăng tốc bám sát tàu 8003.
Theo phóng viên TTXVN quan sát tại hiện trường, khoảng cách của 2 tàu vào khoảng 180m với vận tốc từ 13-15 hải lý. Tàu của Trung Quốc mang số hiệu 3411 cũng tăng tốc để bám sát. Hai tàu áp sát mán trái và phải của tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003. Lúc này biên đội tàu của Việt Nam chỉ cách giàn khoan khoảng 10 hải lý.
Điều đáng nói, trong nhiều ngày nay, con tàu mang số hiệu 3411 của Trung Quốc luôn theo sát tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003. Khi biên đội tàu cảnh sát biển Việt Nam tiến vào hỗ trợ tàu cảnh sát biển 4003, thì lập tức xuất hiện 2 tàu 2112 và 3411 của Trung Quốc giảm tốc độ và đổi hướng quay về khu vực giàn khoan. Thông tin mới nhất sẽ tiếp tục cập nhật đến độc giả ở tin tiếp theo.
* Trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế trong đó có nhiều học giả có uy tín tiếp tục bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.
Tiến sĩ Gerhard Will trả lời phỏng vấn - Ảnh: Vietnam+ |
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Úc ngày 14/5 về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, 2 chuyên gia Malcolm Cook và Elliot Brennan cho rằng động thái này của Trung Quốc là rất đáng lo ngại, thiếu thiện chí và đáng thất vọng.
Chuyên gia Malcolm Cook, Hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, chuyên gia cao cấp Viện Đông Nam Á đặt trụ sở tại Singapore, nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông rõ ràng là đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông mà Trung Quốc đã ký với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hành động này là bằng chứng mới nhất của cách tiếp cận thiếu thiện chí của Trung Quốc trong việc tuân thủ các thỏa thuận đã ký hoặc tham gia đối thoại có tính xây dựng để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Việt Nam không hề có hành động nào để Trung Quốc có thể coi là “khiêu khích” trong thời gian qua.
Ông Cook nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào biển Đông một tuần trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra cho thấy nước này thiếu tôn trọng ASEAN cũng như phản ứng của khối này trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Ông Cook cũng bày tỏ quan ngại về động cơ của Trung Quốc khi đưa giàn khoan khổng lồ vào biển Đông.
Trong khi đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo Làn sóng Đức ngày 14/5, tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị (SWP) ở Berlin cho rằng Trung Quốc có động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 gần bờ biển Việt Nam.
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Gerhard Will nói việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 gần bờ biển Việt Nam là điều đáng ngạc nghiên khi các chuyên gia trong khu vực đã đánh giá không có trữ lượng lớn về dầu mỏ ở đây. Do vậy, theo ông, có thể nói Trung Quốc đặt nặng động cơ chính trị khi tiến hành hạ đặt giàn khoan ngay gần bờ biển Việt Nam.
Ông Gerhard Will cũng nghi ngờ về thời điểm hành động của Chính phủ Trung Quốc là nhằm thử tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN với Việt Nam cũng như sự ủng hộ và hợp tác của Mỹ với Việt Nam và Philippines. Theo chuyên gia Đức, Trung Quốc muốn thông qua hành động này để thử hiệp hội ASEAN sau Hội nghị Cấp cao các nước Đông Nam Á.
Chuyên gia Gerhard Will cũng cho rằng Trung Quốc không tính trước được sự phản ứng quá mạnh như hiện nay ở Việt Nam và hiện đang tính đường thoái lui. Điều này cho thấy Trung Quốc cũng không có một chiến lược thực sự nhất quán ở biển Đông. Ông Will cũng cho rằng việc xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực tại Việt Nam những ngày qua là điều nằm ngoài ý định của Chính phủ Việt Nam cũng như của cá nhân ông.
L.HỘI (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)