Thứ Tư, 09/10/2024 01:30 SA
Mãi sáng ngời tấm gương Tổng bí thư Trần Phú (*)
Chủ Nhật, 27/04/2014 08:07 SA

(Trích bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại hội thảo)

 

Dinh-The-Huynh140427.jpg

Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ảnh: X.HIẾU

Tỉnh ủy Phú Yên, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Tổng bí thư Trần Phú với cách mạng Việt Nam và nơi sinh Phú Yên” nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta, người cộng sản kiên cường, nhà lý luận xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, tấm gương hy sinh anh dũng và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

 

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí sinh ra khi nước ta chìm đắm trong vòng nô lệ của thực dân. Thân phụ của đồng chí Trần Phú là nhà nho đỗ đạt, có tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét chế độ thực dân, phong kiến. Vào dạy học ở Phú Yên từ năm 1901, đến năm 1906, ông được triều đình Huế bổ nhiệm làm Tri huyện Đức Phổ. Do không chịu được cảnh chính quyền thực dân hà hiếp, đàn áp dã man những người yêu nước và không chịu làm tay sai cho chúng, năm 1908, ông đã tự vẫn ngay tại công đường để tỏ thái độ phản đối. Hai năm sau, thân mẫu của đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát bị bạo bệnh qua đời. Đồng chí Trần Phú được họ hàng ruột thịt nuôi nấng, giúp đỡ, đi học.

 

Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú được điều về dạy học ở TP Vinh (Nghệ An). Tại đây, tháng 7/1925, đồng chí đã tham gia Hội Phục Việt, một tổ chức của những người yêu nước lúc bấy giờ.

 

Hoạt động bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí trở thành một thành viên lãnh đạo của Hội Phục Việt. Với tác phong sâu sát, hòa mình với quần chúng, năng lực về tổ chức, lãnh đạo, đặc biệt là về tư duy chính trị, đồng chí Trần Phú đã đi đến nhiều địa phương ở miền Trung và Lào để vận động, xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 7/1926, đồng chí được tổ chức (khi đó đã đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng) cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để bàn việc sáp nhập với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại Quảng Châu, đồng chí được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy.

 

Khóa học đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, đồng chí về nước hoạt động một thời gian. Tháng 11/1926, đồng chí trở lại Quảng Châu, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô).

 

Trong thời gian học tập ở Mátxcơva (1927-1929), với bí danh Lý Quý, đồng chí Trần Phú đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và được cử làm Bí thư Chi bộ của những người cộng sản Việt Nam đang học tại Trường đại học Phương Đông. Kết thúc khóa học, đầu năm 1930, đồng chí Trần Phú nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trở về nước hoạt động. Trong thời gian đồng chí lên đường về nước, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại Hồng Kông (Trung Quốc). Khi đồng chí về đến Sài Gòn, vừa bắt được liên lạc với cơ sở, đã bị mật thám truy lùng gắt gao, lại phải lên tàu sang Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng.

 

Sau một thời gian nghiên cứu, nắm tình hình, tháng 4/1930, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, đồng chí Trần Phú bí mật về nước hoạt động. Đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để có căn cứ thực tiễn cho việc dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí đã đi khảo sát một số địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ. Chuyến khảo sát đã giúp đồng chí hiểu rõ thêm về tình hình công nhân, nông dân, về hoạt động của các tổ chức đảng, về tinh thần cách mạng và thái độ chính trị của các giai cấp, giai tầng trong xã hội. Tháng 7/1930, kết thúc chuyến khảo sát, đồng chí Trần Phú trở về Hà Nội và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và từ khảo sát thực tiễn, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng tại một ngôi nhà ở phố Giăng Xôle (nay là nhà số 90 phố Thợ Nhuộm), Hà Nội.

 

Tháng 10/1930, tại Hồng Kông, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất. Hội nghị đã thông qua bản Luận cương chính trị do đồng chí soạn thảo. Hội nghị còn thông qua nhiều quyết định quan trọng, như: Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; về Điều lệ Đảng; về vận động công nhân; về vấn đề phản đế…

 

Bản Luận cương chính trị được thông qua tại Hội nghị Trung ương (10/1930). Những vấn đề cơ bản về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng được xác định trong Chánh cương vắn tắt Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930, như: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (1), đã được thống nhất, khẳng định trong Luận cương chính trị: Sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền, “xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa” (2). Luận cương chính trị đã phân tích mối liên hệ mật thiết giữa hai nhiệm vụ cách mạng là đấu tranh chống đế quốc và chống phong kiến, giữa hai mục tiêu là dân chủ “thổ địa cách mạng” và dân tộc “Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Đây là những quan điểm, đường lối, xuyên suốt của Đảng, thể hiện tính nhất quán về con đường, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định, trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Kết quả của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta. Với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức (thay cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời), cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội của Đảng lần đầu được kiện toàn. Uy tín và ảnh hưởng của Đảng được nhân lên trong phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Đông Dương phát triển. Đồng thời, Đảng ta nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc tế Cộng sản. Ngày 11/4/1931, tại phiên họp lần thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (lần thứ XI) quyết định công nhận: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản” (3). Đó là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho Đảng ta củng cố và phát triển trong bối cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp lúc bấy giờ.

Về một số điểm hạn chế của Luận cương chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương đã nhận ra những kết quả bất lợi cho phong trào cách mạng, cho nên đã nghiên cứu, đánh giá tình hình, đưa ra những chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương ban hành Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh”; thành lập các tổ chức Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ, Sinh hội đỏ, Cứu tế đỏ… Nhờ có sự điều chỉnh về mặt chủ trương, quan điểm, Đảng ta đã từng bước khắc phục tư tưởng giáo điều, hẹp hòi để lãnh đạo phong trào cách mạng tiến lên, giành thắng lợi.

 

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển, ngày 18/4/1931, Tổng bí thư Trần Phú bị địch bắt. Bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo và dụ dỗ của địch, đồng chí luôn nêu cao ý chí kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đòn roi tra tấn, sự tàn bạo của nhà tù thực dân đã làm sức khỏe của đồng chí Trần Phú suy kiệt. Đồng chí đã hy sinh ngày 6/9/1931 tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới 27 tuổi. Trước lúc hy sinh, đồng chí để lại lời nhắn gửi cuối cùng đầy trách nhiệm và tâm huyết: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

 

Gần một năm giữ cương vị Tổng bí thư của Đảng, đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc, để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, khí phách của người cộng sản. Đồng chí là tấm gương hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản, một nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Tổng bí thư Trần Phú đã trở thành biểu tượng cao đẹp, mãi mãi được cán bộ, đảng viên và nhân dân ta kính phục, noi theo.

 

Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII, đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả huynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng bị địch đàn áp” (4).

 

Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng bí thư Trần Phú được tổ chức trọng thể vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thi đua lao động, công tác và học tập lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại… Cuộc hội thảo hôm nay góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người chúng ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta ôn lại, tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tấm gương đồng chí Trần Phú và những chiến sĩ cộng sản tiền bối, những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Phú Yên - nơi sinh đồng chí Trần Phú, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.

 

Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, chúng ta tự hào về một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng nước ta, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Chúng ta thành kính bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, chúng ta nguyện học tập ý chí kiên cường, đạo đức sáng ngời và tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của một người cộng sản chân chính, quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Tổng bí thư Trần Phú sống mãi trong lòng cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam chúng ta!

 

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

--------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2, tr.2

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.2, tr.94

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T.3, Tr.309

(4) Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, cố Tổng bí thư của Đảng, Báo Nhân Dân, 13/1/1999

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek