Ngay khi còn ở trên đất Pháp, những năm 1923-1930 ở tuổi đôi mươi, sống bên cạnh mấy ông Tây bà đầm sang trọng, ông càng trăn trở với câu hỏi: “Vì sao quê hương mình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá như vậy? Và ông tự nhủ: “Ráng học cho giỏi, rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì có ích cho nước, có lợi cho dân…”.
Các ông Từ Bá Đước, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Dưởng, Trần Văn Lang bị Mỹ-Diệm quản thúc tại Củng Sơn, Sơn Hòa (ngày 4/11/1956).
Khi về nước năm 1933, ông không bao giờ quên lời tự nhủ của mình. Con đường ông đã chọn không phải là “giàu sang phú quý” mà là “phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào”.
Biến động lịch sử những năm 1940-1945: Nam Kỳ khởi nghĩa, Cách mạng Tháng Tám… đã thôi thúc người thanh niên ấy tham gia các hoạt động của tổ chức Thanh niên tiên phong như truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ngoài Bắc… Ở tuổi 30, ông đã trở thành vị luật sư nổi tiếng, đem kiến thức luật học của mình ra bảo vệ công lý, bênh vực thành công đồng bào thân cô, thế cô và những người cách mạng rủi ro sa vào tay giặc trước tòa án binh của thực dân Pháp bằng tiếng Pháp. Trong 3 năm (1943-1945), ông đã bí mật hoạt động trong nhóm thân Đồng minh chống phát xít dưới sự chỉ huy của luật sư Lê Văn Kim.
Từ những năm 1946-1947 trở đi, ông ngày càng dấn thân vào nhiều cuộc đấu tranh trực diện với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ngay tại Sài Gòn, sào huyệt của chúng vì độc lập dân tộc, vì tự do, vì hạnh phúc của nhân dân, liên tiếp giành thắng lợi với sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ông trở thành ngọn cờ đoàn kết, quy tụ quần chúng. Việc tổ chức đám tang Trần Văn Ơn đi vào lịch sử với tên “Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc” (9/1/1950); cuộc tổng biểu dương lực lượng: “Ngày toàn quốc chống Mỹ” (19/3/1950) đuổi tàu Mỹ khỏi hải phận Việt Nam; phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh; phong trào bảo vệ hòa bình đòi thi hành Hội nghị Geneve 1954… đã trở thành sự kiện quốc gia làm chấn động dư luận quốc tế.
Để tách ông ra khỏi phong trào quần chúng bất lợi cho chúng, địch đã nhiều lần bắt giam, lưu đày ông ở tất cả nhà tù ở Sài Gòn, Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Yên trong thời gian trên 10 năm; 2 lần chúng định ám hại ông nhưng đều thất bại.
Nơi ông bị giam giữ, lưu đày lâu nhất là Phú Yên (7 năm). Năm lực lượng võ trang giải phóng Khu 5 và Phú Yên giải thoát ông (30/10/1961) cũng chính là năm Tổng thống chế độ cũ Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 859-NV ngày 25/8/1961 tiếp tục lưu đày ông trong 2 năm kể từ ngày 24/4/1961 đến 24/4/1963 và chắc chắn chúng sẽ tiếp tục gia hạn việc lưu đày ông đến khi khuất phục được ông. Nhưng chúng đã lầm to. Không thủ đoạn dọa nạt, ám hại, làm nhục, mua chuộc, khủng bố, lừa bịp nào của kẻ thù có thể lay chuyển lòng trung thành của ông đối với Đảng, với nước; với dân; ông sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, sẵn sàng chết vì lý tưởng. Trong suốt thời gian nằm trong nanh vuốt của chúng, ông luôn được sự đùm bọc, cưu mang của đồng bào và cơ sở cách mạng; đó là sức mạnh vô địch giúp ông vượt lên tất cả.
Trở về căn cứ địa cách mạng Bắc Tây Ninh cuối tháng 12/1961 ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận, cùng với nhân dân miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang - chính trị ác liệt vào bậc nhất, mang tính thời đại trong thế kỷ 20 chống đế quốc Mỹ xâm lược và chế độ Sài Gòn.
Dù phải nằm trong ngục tù của kẻ thù gần 4.000 ngày, ông vẫn tỏ ra đầy nghị lực và lạc quan trong cuộc chiến đấu mới; ông khẳng khái nói: “Lần này chắc sẽ ở đây lâu hơn; dù 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, tôi quyết cùng đồng bào và chiến sĩ chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”. Bây giờ đứng về phía ông không chỉ có nhân dân miền Nam mà còn nhân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.
Trong suốt thời gian 1960-1975 ở cương vị chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông cùng các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ (đơn phương, đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh).
Cái gì đến phải đến. Mỹ đã cút, ngụy đã nhào. Với chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Đối với ông, công lao to lớn nhất trước tiên thuộc về Bác Hồ.
Sau 30/4/1975, gánh trên vai ông còn rất nặng nề. Ông được bầu giữ các trọng trách Phó chủ tịch nước, Quyền chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Gạt một bên lòng hận thù đối với tội ác mà kẻ thù gây ra cho ông trong suốt gần 4.000 ngày nằm trong ngục tù của chúng, ông là biểu tượng của sự bao dung, hòa hợp dân tộc. Ông khẳng định: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của mình, nhưng sứ mệnh đoàn kết toàn dân là không bao giờ chấm dứt. Năm 1994, ông đã mời luật sư Nguyễn Văn Huyền, nguyên chủ tịch Thượng nghị viện, nguyên Phó tổng thống chế độ cũ tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Giữa năm 1994, sức khỏe của ông rất yếu; nhưng ông vẫn dành sự quan tâm cho thanh, thiếu nhi, đặc biệt cho trẻ em nghèo khuyết tật, mù lòa. Và ngày 24/12/1996 ông ra đi vĩnh viễn. Ông chia tay đồng bào, đồng đội, bè bạn trong thanh bạch và thanh thản. Lời tự nhủ từ lúc tuổi đôi mươi “Ráng học cho giỏi, rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì có ích cho nước, có lợi cho dân” đã được thực hiện trọn vẹn. Điều ông thiết tha là xây dựng Nhà nước pháp quyền mà mỗi người dân được hưởng đầy đủ quyền tự do, dân chủ, công bằng và còn trăn trở về tệ nạn tham nhũng đi ngược lợi ích của người lao động và trái với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đảng và Nhà nước đã tổ chức lễ Quốc tang cho ông trong niềm tiếc thương sâu sắc của đồng chí, đồng bào trong cả nước, của bè bạn và nhiều nguyên thủ quốc gia khắp thế giới. Linh cữu của ông được đưa đi từ hội trường Thống Nhất đến Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, dọc hai bên đường kéo dài hàng chục cây số, hàng chục vạn đồng bào thuộc đủ mọi tầng lớp đứng nghiêm đưa tiễn ông.
Ông đã ra đi vĩnh viễn nhưng trái tim ông vẫn sống mãi với đồng bào của ông, với non sông đất nước. Và lòng tiếc thương sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ông được biểu hiện bằng hành động cụ thể.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (10/7/1910-10/7/2010) ngày 1/7/2010 Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam có Thông báo số 359-TB/TƯ “về việc tổ chức kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm Ngày sinh Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ”.
Tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam - những nơi ông đã bị địch giam giữ - đều đã có nhà lưu niệm để tưởng nhớ ông, cụ thể ở Lai Châu, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà Bến Lức (Long An) đều có tượng Nguyễn Hữu Thọ. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đều có đường Nguyễn Hữu Thọ. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh có Học bổng Nguyễn Hữu Thọ và trong gần 10 năm qua đã trao gần 100.000 học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành tem bưu chính “Nguyễn Hữu Thọ”. Bộ phim tài liệu “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Sự lựa chọn của lịch sử” được trình chiếu khắp cả nước. Nhiều quyển sách về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được xuất bản.
Từ biệt thế giới này, ông đã để lại một di sản nghèo nàn về vật chất nhưng về tinh thần thì vô cùng phong phú: đó là một cuộc sống khiêm tốn, trong sạch, biết hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi. Và ông đã giữ trọn vẹn lời thề tại đám tang trò Trần Văn Ơn năm 1950 “Hãy sống sao cho xứng đáng với những người đã khuất”.
NGUYỄN HỮU CHÂU