Chiều 11/12, các đại biểu HÐND tỉnh tập trung thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014. Báo Phú Yên lượt ghi một số ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại phiên thảo luận.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh HUỲNH TẤN VIỆT: Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại
Trong năm 2013, toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, huy động các thành phần kinh tế và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân để khắc phục khó khăn, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Trong năm, tỉnh đã đưa vào nhiều công trình xây dựng cơ bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, là 1 trong 2 tỉnh trong cả nước được Trung ương đánh giá cao trong việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; có 11/14 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, công tác thu ngân sách của tỉnh hiện nay đang gặp khó khăn, cần có biện pháp để đảm bảo nguồn thu ổn định. Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh của Phú Yên đạt 53,36 điểm, xếp 52/63 tỉnh, thành, tụt 2 bậc so với năm 2011. Đây là một trong những vấn đề đáng báo động, vì thực tế nhiều năm qua chỉ số này của tỉnh luôn tụt bậc. Ngoài ra, hiện nay có một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương còn “thiếu lửa” trong công tác chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, chưa có những đề xuất mang tính đột phá. Năm 2014, chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An NGUYỄN PHỤNG NGOẠN: Tiếp tục đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón và hàng trăm điểm kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở này và đã có nhiều hình thức xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh, hiện vẫn còn tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc giả, vì vậy các ngành và địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp này để nông dân yên tâm sản xuất.
Đối với vấn đề đầu tư giống cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất, chất lượng cao, lâu nay ngành Nông nghiệp tập trung nghiên cứu, đầu tư nhiều giống mới, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều địa phương đã tự sản xuất giống mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng cần nghiên cứu kỹ đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu… của giống cây trồng, vật nuôi phù hợp từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các sở, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề để người lao động tham gia học tập và áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả hơn nữa, góp phần xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần quan tâm xem xét đào tạo các nghề phù hợp với thực tế của từng địa phương; nắm bắt thông tin về nhu cầu học nghề của người lao động trước khi tổ chức đào tạo.
CHỦ TỊCH UBND HUYỆN ÐÔNG HÒA NGUYỄN TÀI:
Di dời dứt điểm lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô trong quý I/2014Năm 2005, khu vực Vũng Rô (Đông Hòa) đã được quy hoạch xây dựng cảng biển, tuy nhiên do lợi nhuận cao của nghề nuôi thủy sản và sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên để việc nuôi thủy sản ở khu vực này diễn ra khá phức tạp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khu vực này. Để giải quyết vấn đề này, tháng 8/2012, UBND tỉnh tạm thời chấp nhận cho các doanh nghiệp và hộ gia đình nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô nuôi đến hết vụ và phải kết thúc trước tháng 10/2013. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể dứt điểm, vẫn còn 282 bè với 7.229 lồng nuôi thủy sản chưa di dời. Huyện nhận khuyết điểm trước UBND tỉnh về việc chưa thể di dời dứt điểm các lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô trước tháng 10/2013 và đã lên phương án cưỡng chế dứt điểm số lồng bè này trong quý I/2014.
Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Phan Vũ Nhân: Ðến năm 2020 tất cả các trạm y tế xã ở huyện Sông Hinh đạt chuẩn quốc gia
Hiện trên địa bàn huyện Sông Hinh chỉ có 11 bác sĩ, cơ sở vật chất một số trạm y tế bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị, ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Do thiếu bác sĩ nên Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Sông Hinh động viên các bác sĩ làm ngoài giờ, nêu cao tinh thần phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường bác sĩ chuyên khoa cho Bệnh viện Đa khoa huyện. Hàng năm, huyện Sông Hinh cũng cử tuyển một số học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 để đào tạo bác sĩ, do vậy đến giai đoạn 2015-2020 địa phương sẽ có đủ lực lượng bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn. Đến thời điểm này, huyện Sông Hinh đã có 9/11 trạm y tế cấp xã có bác sĩ, trong đó Trạm Y tế xã Ea Trol ở gần Bệnh viện Đa khoa huyện nên thuận lợi hơn, còn Trạm Y tế xã Ea Lâm thì tăng cường bác sĩ từ Trạm Y tế xã Ea Bá đến khám và điều trị bệnh 2 buổi/tuần. Dù trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và một số trang thiết bị, nhưng các trạm y tế ở Sông Hinh vẫn chưa có máy siêu âm, điện tim, đo đường huyết. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, để đáp ứng đầy đủ cho các trạm y tế cấp xã đạt chuẩn thì phải hội đủ tối thiểu 78 danh mục thiết bị y tế. Trung tâm Y tế và Phòng Y tế huyện Sông Hinh cũng đã phối hợp, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hàng năm, phấn đấu mỗi năm xây dựng ít nhất 1 trạm y tế xã đạt chuẩn theo như lộ trình đã đề ra. Đơn cử như năm 2012, trạm y tế các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông và Ea Bar được công nhận đạt chuẩn, các xã còn lại đang tiếp tục xây dựng để đến năm 2020 tất cả các xã ở huyện Sông Hinh đạt chuẩn quốc gia về y tế.
N.CHUNG - M.KÝ (ghi)