LTS: Chiều 13/11, trong phiên thảo luận ở hội trường về: Quy hoạch tổng thể về thủy điện; Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. ĐBQH Nguyễn Thái Học đã tham gia thảo luận, Báo Phú Yên giới thiệu cùng bạn đọc.
ĐBQH Nguyễn Thái Học phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 13/11.
Qua các báo cáo cũng như qua thực tế tại các địa phương cho thấy quá trình đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện luôn bộc lộ rõ mặt tích cực và mặt hạn chế, mặt được và mặt chưa được. Mặt tích cực của thủy điện là cung cấp một lượng điện năng lớn cho quốc gia, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, điều tiết lũ vào mùa mưa. Mặt hạn chế của thủy điện là vấn đề đất đai, bảo vệ môi trường và đời sống của người dân ở những địa bàn triển khai các dự án thủy điện.
Theo báo cáo của Chính phủ, thủy điện đã lấy mất 133.930ha đất; 19.792ha rừng và phải di dời 44.557 hộ dân để tái định cư. Đây là những con số rất có ý nghĩa nói lên mặt trái khi đầu tư phát triển thủy điện. Với chức năng quản lý nhà nước, chúng ta có thể phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất mặt tiêu cực từ quá trình đầu tư các công trình thủy điện vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Tuy nhiên trong một thời gian dài, chúng ta quá đà trong việc tập trung phát triển thủy điện trong khi công tác quản lý nhà nước về thủy điện ngày càng bộc lộ những tồn tại, bất cập nhưng chậm khắc phục. Thực tế này dẫn đến hậu quả là: đầu tư thủy điện trở thành một phong trào thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, có quá nhiều dự án thủy điện được đưa vào quy hoạch, nhiều nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhưng không đảm bảo yêu cầu và chất lượng. Từ đó, mặt tồn tại hạn chế của thủy điện ngày càng bị khoét sâu, càng bộc lộ rõ và dẫn đến sự bức xúc phản ứng của người dân và chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện các dự án thủy điện. Với mong muốn được làm rõ hơn thực tế này, tôi xin được đề cập đến các nội dung sau:
Thứ nhất: Có sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về thủy điện.
Theo báo cáo của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, qua kiểm tra rà soát có 424 dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch chiếm 34% tổng số dự án thủy điện. Chỉ có 735ha rừng được trồng trên tổng số 19.792ha rừng buộc phải trồng chiếm 3,7%, nghĩa là còn 96,3% diện tích rừng chưa được trồng theo quy định. Có 30% số đập thủy điện nhỏ chưa được kiểm định, 66% đập thủy điện chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão.
Từ các số liệu nêu trên đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, kiểm định chất lượng an toàn đập và vận hành các công trình thủy điện như thế nào? Có buôn lỏng và thiếu trách nhiệm hay không? Khi chưa xác định trách nhiệm để xảy ra những tồn tại hạn chế nêu trên thì việc rà soát chỉ ra những tồn tại hạn chế bất cập của thủy điện trong báo cáo của Chính phủ cũng không mang lại tính thuyết phục. Với tinh thần đó, tôi thống nhất việc Quốc hội ban hành nghị quyết về quy hoạch đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện và trong nghị quyết của Quốc hội, tôi đề nghị phải có nội dung Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền trong quá trình phê duyệt quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện kém chất lượng phải loại bỏ khỏi quy hoạch hoặc tác động xấu đến môi trường sống của người dân.
Nhà máy thủy điện Krông H’Năng sử dụng nhiều diện tích đất rừng trên địa bàn giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk - Ảnh: N.TRƯỜNG
Thứ hai: Chủ đầu tư của nhiều công trình thủy điện đã không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Quá trình đầu tư xây dựng và vận hành các công trình thủy điện ở nhiều địa phương cho thấy thường chủ đầu tư chỉ quan tâm đến sản lượng điện được tiêu thụ, lợi nhuận thu được, ít chú trọng đến việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định. Qua kết luận thanh tra của Bộ TN-MT trong năm 2012, cũng như qua giám sát của nhiều đoàn ĐBQH tại các công trình thủy điện cho thấy nhiều công trình thủy điện đã vận hành khai thác nhưng không thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường, khai thác mặt nước để phát điện nhưng chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước, không duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định làm xuất hiện những đoạn sông chết do cạn kiệt nguồn nước, không thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Điều đáng quan tâm ở đây là những việc làm vi phạm này lại không được phát hiện hoặc nếu có phát hiện thì cũng không kiên quyết xử lý làm cho người dân bức xúc cho rằng các chủ đầu tư thủy điện được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi khác thường.
Thứ ba: Đời sống người dân tái định cư các công trình thủy điện còn rất khó khăn.
Theo Báo cáo số 1483 ngày 6/5/2013 của Bộ NN-PTNT, khi khảo sát tỉ lệ hộ nghèo của 15 dự án thủy điện do bộ khảo sát cho thấy tỉ lệ hộ nghèo bình quân chung là 36,6%, gấp hơn 3 lần tỉ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước. Trong khi đó có nhiều địa phương có tỉ lệ hộ nghèo còn cao như: Thủy điện Hòa Bình 43%; Thủy điện Bản Vẽ - Nghệ An 89%; Thủy điện Đồng Nai 3 60%; Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh - Phú Yên hơn 90%. Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện. Biểu hiện cụ thể là thiếu quỹ đất sản xuất để giao cho các hộ dân tái định cư, việc chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo nghề cho người dân tái định cư chưa được quan tâm, chậm triển khai thực hiện. Nếu không tháo gỡ kịp thời, về lâu dài đời sống người dân tái định cư các công trình thủy điện còn phải đối mặt với nhiều khó khăn về đất ở, đất sản xuất cũng như lo cái ăn cái mặt thường ngày.
Tôi không phủ nhận mặt tích cực của các công trình thủy điện, nhất là các công trình thủy điện lớn trọng điểm của quốc gia được đầu tư xây dựng rất có hiệu quả góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư các công trình thủy điện không tuân thủ quy định của pháp luật. Các chủ đầu tư này được khai thác và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đất đai, rừng, mặt nước, lợi nhuận thu được từ thủy điện từ nguồn tài nguyên quốc gia được chia cho một nhóm người, vì phần lớn các doanh nghiệp này đã được cổ phần hóa và nhóm người này ngày một giàu hơn. Trong khi đó người dân ở vùng tái định cư mà phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn; họ chấp hành pháp luật, phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để di dời đến nơi ở mới, nhường chỗ cho việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện thì hiện tại đời sống của họ ngày một khó khăn hơn, ngày một nghèo đi.
Từ thực tế này, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có chính sách cụ thể để khắc phục sự không bình đẳng, sự mất công bằng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình thủy điện.