Thứ Năm, 28/11/2024 20:57 CH
Cần có trọng tài xử lý lãng phí (*)
Thứ Ba, 05/11/2013 07:51 SA

LTS: Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sáng 4/11, ĐBQH Đặng Thị Kim Chi đã phát biểu góp ý, Báo Phú Yên giới thiệu cùng bạn đọc.

ba-chi131105.jpg

ĐBQH Đặng Thị Kim Chi phát biểu góp ý về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi)

Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện luật, tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

 

Thứ nhất, Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị nên bổ sung “các nguồn vốn khác” vào phạm vi điều chỉnh của luật. Bởi vì ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn có nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các nguồn tài trợ, đóng góp của cá nhân do các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quản lý sử dụng cũng cần phải được sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí và có hiệu quả. Do đó Khoản 1, Điều 1 nên viết là “quản lý sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, các nguồn vốn khác, tài sản nhà nước” v.v...

 

Tương tự, tại Điều 5, Khoản 2, Điểm b, theo tôi nguồn vốn trang bị các thiết bị từ kinh phí tài trợ, viện trợ, các nguồn ủng hộ của các tổ chức và cá nhân cũng phải đưa vào nội dung cần được công khai để cán bộ công chức, viên chức và nhân dân biết, giám sát nhằm đảm bảo việc sử dụng tiết kiệm đúng mục đích. Bởi vì vấn đề này chúng ta không quy định chặt chẽ, có thể kinh phí vẫn được sử dụng nhưng vào mục đích không đúng với yêu cầu và hiệu quả thấp. Nếu không quy định được trong luật cũng cần quy định một điều, khoản để giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

 

Thứ hai, ở Chương II, Mục 2, Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Từ Điều 17 đến Điều 27 có 11 điều chỉ quy định về việc lập thẩm định phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước của đơn vị mình mà không có quy định về việc nếu gây lãng phí ngân sách của đơn vị khác thì chế tài như thế nào? Ai làm trọng tài xử lý. Tôi xin nêu một trường hợp rất cụ thể là trong thời gian kỳ họp thứ 5 của Quốc hội ngày 7/6/2013 có một bộ tổ chức hội nghị tập huấn về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Giấy mời phát đi, các sở, đơn vị trực thuộc bộ của cả nước về dự, khoảng vài trăm người. Sáng hôm đó khi đại biểu đến nơi họp thì được phát giấy thông báo hoãn bởi vì lãnh đạo bộ bận, khi nào tập huấn sẽ thông báo sau. (Nếu ở Phú Yên chúng tôi đến Hà Nội họp kể cả tiền vé máy bay lưu trú đi về tốn khoảng 8 triệu đồng). Vậy lãng phí đó ai phải chịu trách nhiệm và người gây lãng phí có bị kỷ luật hay không, chế tài nào để xử lý. Đây là điều tôi mong muốn cần đạt được ở luật sửa đổi lần này.

 

Thứ ba, Mục 4, Chương II về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng.

 

Tôi cơ bản tán thành với quy định tại các điều ở mục này. Tuy nhiên, trong thực tế có sự liên kết giữa chủ đầu tư, tư vấn dự án, tư vấn thiết kế để nâng tổng mức đầu tư của dự án. Bởi vì theo cơ chế hiện hành thì họ được hưởng tỉ lệ % của tổng mức đầu tư dự án, cho nên càng nâng mức đầu tư thì họ càng có lợi. Chỉ cần một chi tiết nhỏ là nếu như công trình đó sử dụng xi măng mác 250 là đủ nhưng họ nâng lên mác xi măng là 300 để nâng tổng mức đầu tư, gây lãng phí rất lớn.

 

Vừa rồi Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ rà soát 4 dự án nhưng đã cắt bớt hàng ngàn tỉ đồng. Tôi cho rằng đây là vấn đề chống lãng phí rất hiệu quả nếu như trong luật chúng ta có biện pháp chế tài để xử lý nghiêm việc này thì có thể tiết kiệm hàng vạn tỉ đồng trên 1 năm. 

Thứ tư, tại Điều 35 về khảo sát, thiết kế xây dựng công trình. Trong những năm gần đây, việc khảo sát, thiết kế và lập luận chứng phê chuẩn dự án đầu tư thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, giữa các cấp, các ngành cho nên dẫn đến tình trạng trong quá trình thi công thì dự án này làm thiệt hại đến dự án khác. Một thất thoát rất lớn ai cũng nhìn thấy được nhưng chưa khắc phục, đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều dự án làm đường giao thông xong thì ngành cấp thoát nước lại đào lên để thi công dự án cấp nước, dự án cấp nước đào xong thì đến lượt hệ thống điện đào xới, rồi bưu chính viễn thông, công trình đô thị khác... Ngành nọ dẫm đạp lên ngành kia, gây thất thoát ngân sách, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà không ai làm trọng tài xử lý. Luật sửa đổi lần này, với 2 khoản tại Điều 35 vẫn không khắc phục được tình trạng trên, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm.

Thứ năm, tại Mục 8 Chương II, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, chỉ có 4 điều nhưng tôi thấy quy định rất chung và mang tính khuyến khích, khuyến nghị ở 3 điều. Tôi xin đơn cử một số nội dung như: Khoản 3, Điều 64 có ghi “Nhà nước khuyến khích tổ chức và cá nhân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng để dành vốn đầu tư và sản xuất…”. Khoản 3, Điều 65 ghi “Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách khuyến khích toàn dân thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang”. Khoản 1, Điều 66 ghi “HĐND, UBND quy định chính sách khuyến khích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang”. Khoản 2, Điều 66 ghi “Bộ VH-TT-DL khuyến khích, động viên nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần xây dựng xã hội văn minh lành mạnh”. Khoản 3, Điều 66 ghi “cơ quan, tổ chức… khuyến khích cán bộ công chức viên chức và thành viên của tổ chức của mình gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí …”.

Tôi thấy cả 3 điều này đều không đảm bảo được cấu trúc của một điều luật, vì tất cả đều không đưa ra được chế tài xử lý khi có người vi phạm, theo tôi nên để cho các tổ chức chính trị xã hội vận động, chứ đưa vào luật, tôi cho rằng không khả thi. Bởi vì luật phải thể hiện tính tuân thủ, nếu vi phạm phải bị xử lý, nhưng những nội dung quy định trong Mục 8 Chương II không chỗ nào xử lý, chỉ nói chung chung, đề nghị ban soạn thảo xem xét.

Thứ sáu, Điều 21 về việc sử dụng kinh phí trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản: “việc lựa chọn các đề tài, dự án khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ để cấp kinh phí nghiên cứu từ ngân sách nhà nước phải đảm bảo chính xác, hiệu quả, tránh trùng lặp”.

Cần quy định trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia việc nghiệm thu các kết quả nghiên cứu khoa học và phê duyệt các quyết toán, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Người có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo các chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước, phải chịu trách nhiệm về những kết luận, đánh giá của mình trong trường hợp kết luận, đánh giá sai phải bồi thường về những kết luận đó, cũng như việc các kết quả nghiên cứu và các tiến bộ kỹ thuật, để đưa vào sản xuất mà các công nhận đó làm cho người ứng dụng bị thiệt hại thì người công nhận này phải chịu trách nhiệm.

----------------------------

(*) Đầu đề do tòa soạn đặt

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek