Sáng 28/10, trong buổi làm việc tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các báo cáo của các cơ quan tư pháp trung ương về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm trước Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, trong điều kiện năm 2013 đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm. Song, mức độ gia tăng này vẫn được kiềm chế; số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% về số vụ so với năm 2012. Tình hình tội phạm vẫn đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn.
Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn ráp gianh ở một số địa phương. Xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm đánh bạc tăng 16,66% về số vụ, diễn biến phức tạp, nhất là các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản với lãi xuất cao, xảy ra ở nhiều địa phương.
Các tội xâm phạm trật tự, quản ký kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ; 15,56% về số bị can. Trong đó, tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và cả trong lĩnh vực y tế.
Vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên là các hoạt động xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất, làng nghề; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều nơi… Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, người thất nghiệp tăng, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội và sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động. Mặc khác, tội phạm gia tăng còn do thực trạng người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên; công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả còn thấp. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa hiệu quả; công tác phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm…
Theo báo cáo của Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày tại hội trường, năm 2013, chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm có chuyển biến tốt hơn. Tỉ lệ điều tra, khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6% án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%.
Cũng trong buổi làm việc sáng 28/10, Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của hai ngành và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Cuối buổi làm việc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác thi hành án và kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).
Những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm sẽ được Quốc hội thảo luận ở tổ trong buổi làm việc chiều 29/10.
Theo TTXVN