Ngày 26/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên họp thường kỳ tháng 10/2013, thảo luận về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng và bàn các giải pháp cho những tháng tiếp theo với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ đánh giá trong 10 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng; kinh tế tiếp tục được cải thiện. Lạm phát được kiềm chế; lãi suất giảm; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những cải thiện đáng kể... Tốc độ tăng CPI tháng 10 giảm xuống 0,49%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 10/2013 tăng 5,92%, là mức tăng rất thấp trong vòng 10 năm qua. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 đến 3% và lãi suất cho vay giảm 3 đến 5%/năm so với đầu năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt gần 108 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,58 tỉ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012...
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ đã phân tích, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại của nền kinh tế cần tập trung chỉ đạo khắc phục, trong đó nổi lên là nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; dư nợ tín dụng tăng chậm so với kế hoạch; nợ xấu chậm được xử lý; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn...
Ý kiến các thành viên Chính phủ cho rằng, để duy trì được tăng trưởng cả năm như mục tiêu đề ra, cần tiếp tục thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu tại các địa phương, các cửa khẩu; có các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng cạnh tranh xuất khẩu không lành mạnh, phá giá...
Liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, xử lý nợ xấu, giữ vững mặt bằng lãi suất cũng như sự ổn định tỉ giá... Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, tránh những biến động lớn về giá cả, kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra cho cả năm 2013. Ý kiến của một số thành viên Chính phủ cũng đề xuất, trong những tháng cuối năm cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý thị trường, giá cả, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu qua biên giới; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh những biến động lớn về giá cả làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2013 chỉ còn 2 tháng nữa, nhiệm vụ đặt ra trước mắt hết sức nặng nề. Tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp đã đề ra, tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. “Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,4% có ý nghĩa hết sức quan trọng trong năm bản lề 2013, từ mục tiêu tăng trưởng này, sẽ tạo cơ sở, tiền đề để đạt được tăng trưởng cao hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đề cập những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời không lơ là, chủ quan đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm có thể xảy ra những yếu tố gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông; tăng cường công tác phòng chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh, trấn áp, xử lý các loại tội phạm xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở khám chữa bệnh; đẩy mạnh các giải pháp khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, quan tâm chăm sóc tốt hơn sức khỏe y tế cho nhân dân... Phấn đấu hoàn thành nốt 2 Mục tiêu Thiên niên kỷ còn lại (mục tiêu về nước sạch và mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS) trong các Mục tiêu Thiên nhiên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã đề ra đến năm 2015.
(TTXVN)