Thứ Tư, 09/10/2024 17:16 CH
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh với Phú Yên
Thứ Năm, 24/10/2013 09:00 SA

Trong một cuộc gặp ở Hà Nội trước thềm xuân Tân Mão 2011, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tâm tình: “Phú Yên là tỉnh có công lao rất lớn trong 2 cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ðó cũng là miền đất rất ân tình”.

 

nha-bao131024.jpg

Nhà báo Đặng Minh Phương (đứng), Chủ tịch Hội Đồng hương Phú Yên tại Hà Nội, chúc mừng sức khỏe tướng Nguyễn Nam Khánh - Ảnh: Q.THANH

* Thưa thượng tướng, được biết ông là người có mặt trong đoàn quân Nam tiến đến Tuy Hòa sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong hồi ức của mình, thượng tướng nhớ gì về những ngày khói lửa hào hùng đó?

 

- Quê tôi ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, gần với Phú Yên. Hồi Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi tham gia Việt Minh do các ông Võ Xáng và Khương Hữu Tài - 2 nhà cách mạng từ ngục Trà Kê của Phú Yên trở về Bình Định lãnh đạo cách mạng cướp chính quyền. Nhưng sau cách mạng thì nội bộ Việt Minh ở Bình Định xảy ra mâu thuẫn, 2 ông Xáng, Tài bị giết ở bắc sông Bồng Sơn. Tôi thấy tình hình phức tạp nên ngày 20/10/1945 thì gia nhập đoàn quân Nam tiến. Chúng tôi đến Tuy Hòa thì dừng lại, gia nhập Trung đoàn 79 đóng tại 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk do ông Thu Sơn (người Thổ gốc Cao Bằng) làm trung đoàn trưởng, ông Võ Bẩm (người Mỹ Khê, Quảng Ngãi) làm chính ủy; tôi làm chủ nhiệm chính trị của trung đoàn này. Hồi đó, 2/3 quân số của trung đoàn ở Đắk Lắk, 1/3 còn lại thì đóng tại phía nam chân núi Nhạn. Trung đoàn chúng tôi có nhiệm vụ chống Tây từ Ma Đrắc xuống, đánh khá nhiều trận oanh liệt, trong đó đáng nhớ là các trận đánh Pháp ở đập Đồng Cam, ở đèo Cả, Củng Sơn - Cheo Reo, Trà Kê…

 

Năm 1948, tôi chuyển ra Quảng Ngãi hoạt động ở Phân khu 15 Bắc Tây Nguyên. Nhưng đến 1953 thì về lại Phú Yên, cụ thể là tại Củng Sơn (Sơn Hòa), làm trợ lý chính trị, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 108 bộ đội chủ lực do ông Đoàn Khuê làm trung đoàn trưởng. Trong năm 1953 này, tôi chỉ huy Tiểu đoàn 19 đánh Pháp (có cả bọn can thiệp Mỹ làm cố vấn) ở đồn Kon Rẩy cách TX Kon Tum khoảng 50km về phía đông. Chúng tôi chiến thắng nhanh chóng khiến địch hoảng hốt và tối 30, sáng mùng 1 tết năm 1953 thì Pháp tháo chạy khỏi bắc Tây Nguyên, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum. Đây là sự kiện đáng nhớ vì lần đầu tiên ta đuổi sạch bóng thù ở một tỉnh miền Nam vào thời điểm ấy. Vào tháng 7/1954, chúng tôi đánh bức địch ở bắc Buôn Hồ, đánh đèo Chư Sê khiến địch bỏ chạy khỏi Buôn Hồ ngày 20/7/1954, về Buôn Ma Thuột cố thủ. Chúng tôi định truy kích tiếp ở Buôn Ma Thuột thì Hiệp định Genève có hiệu lực. Đoàn quân chúng tôi khi đó chỉ ăn một bát cháo mà hành quân từ buôn Bra ở Đắk Lắk về lại Phú Yên. Đến Củng Sơn, chúng tôi mới được dân cho ăn cơm no!

 

* 30 năm sau Cách mạng Tháng Tám, mùa xuân năm 1975, thượng tướng lại tiếp tục cầm quân truy kích địch ở Phú Yên, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện nào ở Phú Yên vào những ngày đó khiến thượng tướng nhớ nhất?

 

- Tôi đi tập kết vào tháng 10/1954 và thời gian sau đó học tập, công tác ở miền Bắc là chính. Vào năm 1975, khi ta tổng tấn công giải phóng miền Nam, tôi trở lại Phú Yên lần thứ ba trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Thời điểm đó, tôi là chỉ huy lực lượng của mũi tấn công cắt đứt đường 19, buộc quân ngụy từ Tây Nguyên xuống phải chạy tán loạn qua đường số 7. Quân tôi đánh thốc phía sau, truy kích địch đến tận Cam Ranh thì hợp lại với lực lượng ở mũi tấn công đường số 1 của ông Hoàng Minh Thảo. Lúc bấy giờ, tôi là chính ủy của lực lượng hợp nhất này. Với tôi, chiến thắng trên đường 7 góp phần quan trọng cho thắng lợi của quân ta trong chiến dịch mùa xuân 1975.

 

* Thượng tướng đánh giá thế nào về vai trò của Phú Yên trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc? Là người từng sống, chiến đấu một thời gian khá dài ở Phú Yên, thượng tướng ấn tượng gì với đất và người Phú Yên?

 

- Phú Yên có công rất lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Theo tôi, có 2 điểm cần phải nhấn thật mạnh mới đánh giá hết vai trò quan trọng của Phú Yên. Một là, trong thời kỳ kháng Pháp 1945-1954, nếu miền Bắc là hậu phương lớn thì Phú Yên là hậu phương trực tiếp của chiến trường khu 5. Phú Yên là nơi đoàn quân Nam tiến dừng chân, là nơi nuôi nấng bộ đội, là căn cứ để ta đánh vùng địch chiếm đóng. Phú Yên đã trở thành địa bàn vững chắc mà quân Pháp không thể xâm nhập từ phía nam ra lẫn phía tây xuống trong một thời gian dài, bảo vệ được cả vùng tự do khu 5.

 

Mãi đến năm 1954, khi địch huy động lực lượng 44 tiểu đoàn, chúng mới đánh ra được đến đèo Cù Mông, chứ phía tây thì ta vẫn làm chủ hoàn toàn. Thứ hai là trong kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao thắng lợi của ta là tổ chức chiến tranh nhân dân thành công. Phải nói nhờ chiến tranh nhân dân mà ta thắng Mỹ. Và đỉnh cao của đỉnh cao ấy là chiến tranh nhân dân ở khu 5 với các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tôi nghĩ, lịch sử vệ quốc nước ta phải đánh giá đúng tầm về những điểm này.

 

Về cá nhân, thời chiến tranh, tôi từng 3 lần vào ra Phú Yên, 1/3 cuộc đời tôi ở Phú Yên, sống chết ở Phú Yên. Bởi vậy, với tôi, đất ấy như là quê nhà của mình. Không có dân, trong đó có đồng bào Phú Yên, che chở, nuôi nấng, chăm sóc, tôi khó đạt được những thành công trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Phú Yên là vùng đất đầy nghĩa tình.

 

Vào đầu tháng 10/2010, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã tổ chức cuộc gặp mặt cán bộ, chiến sĩ, thân nhân liệt sĩ từng tham gia chiến đấu, công tác tại tỉnh trong kháng chiến, hiện đang ở Hà Nội, tôi rất xúc động và hạnh phúc khi được mời đến dự cuộc gặp mặt nghĩa tình này.

 

Thượng tướng NGUYỄN NAM KHÁNH, sinh tháng 2/1927, tại xã Bình Phú Tây (nay là xã Tây Phú), huyện Tây Sơn, Bình Định; thường trú tại số nhà 36B Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cán bộ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, VI, VII; nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

tuong131024.jpg

Đồng chí tham gia cách mạng tháng 7/1945, tháng 5/1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Đồng chí được bổ nhiệm các chức vụ: Chính trị viên Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108; Phó chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 803; Chính ủy Trung đoàn 108, Sư đoàn 305; Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 305, Đảng ủy viên sư đoàn; Chính ủy Lữ đoàn 305; Phó chính ủy Sư đoàn 304; Chính ủy Sư đoàn 3, Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn.

 

Tháng 10/1970 đến tháng 5/1978, đồng chí giữ các chức vụ: Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5; Phó chính ủy Quân khu 5, Bí thư Đảng ủy Quân khu; tháng 6/1978 đến tháng 3/1979, giữ chức Hiệu trưởng Học viện Chính trị, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị; tháng 4/1979, là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị.

 

Đồng chí đã từ trần hồi 4 giờ 57, ngày 20/10/2013 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

 

Do có nhiều thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Hơn nửa thế kỷ tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Nam Khánh đã có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao, cống hiến của đồng chí thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức tang lễ đồng chí thượng tướng Nguyễn Nam Khánh với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước.

 

Lễ truy điệu thượng tướng Nguyễn Nam Khánh lúc 13 giờ 15 ngày 24/10 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào hồi 15 giờ 25 cùng ngày tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

 

QUỐC THANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek