Thứ Năm, 10/10/2024 03:25 SA
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống mãi với non sông
Thứ Ba, 15/10/2013 08:20 SA

LTS: Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả bạn bè thế giới. Trong những ngày qua, Báo Phú Yên tiếp nhận nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc trong và ngoài tỉnh bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương đối với vị tướng huyền thoại của nhân dân. Do dung lượng báo có hạn nên tòa soạn không thể đăng tải hết ý kiến của bạn đọc, và chuyên mục này cũng kết thúc trong số báo này. Mong bạn đọc thông cảm.

ÔNG NGUYỄN HỮU BÌNH, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ BÁO CHÍ -XUẤT BẢN (SỞ TT-TT PHÚ YÊN): Tượng đài trong lòng nhân dân

Những ngày qua, hàng triệu triệu người Việt Nam trong nước và cả ở nước ngoài đã tiễn đưa vị Đại tướng đáng kính của nhân dân về nơi yên giấc ngàn thu, đất mẹ Quảng Bình. Sinh ra ở vùng đất đầy nắng, gió Lào và cát trắng ấy, song bao nhiêu năm vì nước, vì dân, làm nên bao chiến công hiển hách, được vinh danh với bao nhiêu niềm kiêu hãnh cho quê hương Tổ quốc, vị tướng huyền thoại anh hùng dân tộc, người con vĩ đại của đất mẹ Quảng Bình đã vĩnh viễn về lại với quê hương vào một chiều thu tháng 10 lịch sử.

Biển người đã tiễn đưa Đại tướng, có nhiều người đã khóc khô nước mắt, không có một cơ quan, đoàn thể nào “chỉ đạo” tình cảm của tầng tầng lớp lớp người dân thành kính với Đại tướng, chỉ có tấm lòng của nhân dân (trong đó có đủ mọi tầng lớp, già trẻ, trai gái, lực lượng vũ trang...). Vĩnh biệt một trái tim, một tâm hồn, một con người với 103 tuổi đời, 70 tuổi Đảng và đặc biệt là vị tướng tài ba của dân tộc ở thế kỷ XX đã cùng Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân làm nên 2 cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại đưa nhân dân ta đến độc lập tự do. Công lao ấy, niềm tự hào ấy rất đáng được nhân dân suy tôn, ngưỡng mộ.

Đại tướng - người học trò xuất sắc của Bác Hồ, đã hội tụ nhiều đức tính cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ đại nhưng khiêm tốn, sống mảnh đời sống thanh bạch giản dị, là tướng nhưng lại là một con người bình dị, gần gũi nhân dân, đời sống của nhân dân, tâm hồn luôn yêu thương con người, thiên nhiên, hiền hòa, độ lượng, ông đã đi trọn thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Một vị tướng mà khởi thủy là một thầy giáo dạy sử, rồi ông viết báo đã có thời làm phụ trách một tờ báo yêu nước và rồi theo tiếng gọi non sông, Ông lên đường theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công lao đức độ, con người, nhân cách của Ông đã để lại cho nhân dân, cho thế hệ hôm nay nhiều bài học quý giá. Nói về những gì Ông đã làm cho đất nước, dân tộc, cho mỗi chúng ta hôm nay không giấy bút nào, ngôn từ nào diễn tả hết được, chỉ biết rằng nhân dân đã suy tôn ông, ở trong mỗi con người Việt Nam yêu nước, Ông là đại diện cho người tốt, chữ “NGƯỜI TỐT” viết theo đúng nghĩa của nó.

Chứng kiến dòng người nối tiếp dòng người, không kể nắng, mưa, sáng sớm trưa về hay đêm khuya chỉ mong được vào ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội để được kính viếng ông, được nhìn thấy chân dung vị Đại tướng của nhân dân lần cuối. Những người cựu chiến binh, những chiến sĩ quân đội nhân dân gọi Ông là “Người Anh Cả”, các thế hệ thanh thiếu niên gọi Ông là Đại tướng, các học giả nước ngoài và người tiến bộ trên thế giới gọi Ông là “Vị tướng huyền thoại”, “Ngọn núi lửa được phủ tuyết”....

Nhân dân Việt Nam chúng ta gọi Ông là Đại tướng của nhân dân. Biển nhân dân là vô tận, Ông sẽ sống mãi trong lòng nhân dân và dân tộc.

Buổi chiều ngày 13 tháng 10 năm 2013 là một buổi chiều đặc biệt trong tôi, gần 10 ngày, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội. Nhiều nơi nhiều vùng đất trong và ngoài nước nói về sự vĩ đại cao cả của Đại tướng, song phải đến lúc Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình tôi mới càng thấu hiểu và hiểu thêm nhiều như một nhà báo đã viết “ Đại tướng đã về bên Bác Hồ” mãi mãi Đại tướng sẽ ở trong lòng dân, nhân dân sẽ là người dựng tượng đài Đại tướng. Tượng đài ấy sẽ trường tồn mãi mãi với dân tộc.

NGỌC HỮU (thực hiện)

 

CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN ĐẮC TẤN (PHƯỜNG 2, TP TUY HÒA): Nhớ mãi những lời dặn dò ân cần của Đại tướng

Dac-tan131015.jpg

Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cũng như nhiều người dân đất Việt, cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi bàng hoàng và tiếc thương vô hạn, không cầm được nước mắt. Đã biết tạo hóa đã ban: sinh - lão - bệnh - tử nhưng đối với Đại tướng, người Anh Cả của Quân đội nhân dân, Chủ tịch danh dự của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tôi vẫn mong muốn Người sống thọ hơn nữa.

Đời tôi may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Lần đầu tiên là nghe Đại tướng nói trước hàng ngàn quân vào đầu năm 1955 ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), khi Đại tướng đến thăm Sư đoàn 305 của chúng tôi vừa tập kết ra Bắc, đã để lại dấu ấn khó quên. (anh Võ Văn Ký, nguyên Phó chỉ huy trưởng chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 305 cũng được gặp Đại tướng trong lần này). Hôm đó, chúng tôi được lệnh phải ăn mặc chỉnh tề để nghe lãnh đạo cấp cao nói chuyện. Chúng tôi đoán có lẽ Đại tướng đến thăm. Đơn vị xếp thành từng khối thẳng tắp. Đợi một lúc, Đại tướng xuất hiện và khẩu lệnh “nhìn bên phải chào” vang lên. Rồi tất cả cùng hô vang: “Chúc Đại tướng khỏe!”. Chúng tôi nghiêng người nhìn, có anh thấp ở hàng sau phải rướn người lên để thấy Đại tướng. Bản thân tôi may mắn đứng ở hàng thứ 2 nên thấy Đại tướng rất rõ. Đại tướng bắt tay chỉ huy đơn vị và một số đồng chí ở hàng trước rồi đến micro nói chuyện chứ không ngồi ghế salon đã bày sẵn.

Đại tướng mặc bộ đồ đại cán màu tím than giản dị, đội mũ lợp vải bọc lưới ngụy trang, dáng thư sinh, đẹp trai, nước da trắng và rất dung dị. Đại tướng nói tiếng Quảng Bình nhưng rất dễ nghe. Đầu tiên Đại tướng hỏi thăm sức khỏe cán bộ và chiến sĩ những ngày đêm lênh đênh trên biển và lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc; về ăn, ngủ, sinh hoạt như thế nào? Cả đoàn quân thưa với Đại tướng: “Dạ, rất tốt”. Đại tướng căn dặn, giữ gìn sức khỏe, huấn luyện giỏi để theo kịp các sư đoàn khác ở ngoài Bắc… Những lời thăm hỏi ân cần, dặn dò của Đại tướng chúng tôi nhớ mãi và là hành trang mang theo khi xông pha trận mạc, giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó.

 

CỰU CHIẾN BINH TRẦN NGỌC MỸ (PHƯỜNG 7, TP TUY HÒA): Vinh dự được mời nước Đại tướng

My131015.jpg

Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của mình, trong thời gian làm Bộ đội Cụ Hồ, tôi có may mắn và vinh dự được mời nước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần ấy, tôi được Đảng ủy, thủ trưởng Trung đoàn 426, Cục Tình báo (Cục II), Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ tham gia Ban Bảo vệ Sở chỉ huy cuộc Tổng diễn tập kỹ chiến thuật - vũ khí mới của binh chủng Đặc công - Trinh sát tại một vùng đồi núi ở Xuân Mai (huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Cuộc diễn tập kéo dài từ ngày 3 đến 9/6/1966. Khách mời ngoài một số tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp các quân binh chủng toàn quân (cả chiến trường miền Nam) còn có đại biểu đại diện quân đội các nước XHCN.

Ngày 7/6/1966, là ngày tổ chức thử vũ khí mới dùng cho tác chiến đặc công (vũ khí nổ bằng điều khiển khóa mật mã sóng vô tuyến điện từ xa). Đến dự sự kiện quan trọng này, có lãnh đạo cao nhất của Đảng là đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo cao nhất của quân đội là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi thượng tá Cao Pha, Phó cục trưởng Cục Tình báo giới thiệu đại biểu và báo cáo tiến độ chương trình diễn tập, đồng chí thiếu tá Chỉ huy trưởng Cảnh vệ ra hiệu cho tôi mời nước các đồng chí lãnh đạo. Theo điều lệnh quân đội, tôi tiến đến bàn đứng nghiêm chào và mở chai nước đã đặt sẵn mời đồng chí Lê Duẩn. Thật bất ngờ, đồng chí Lê Duẩn không uống và nhìn tôi một cách nghiêm nghị rồi đẩy chai nước sang phía Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lúc tôi đang rất lúng túng, không biết phải làm gì tiếp theo thì Đại tướng đưa mắt nhìn tôi trìu mến, thông cảm, như người anh Cả nhìn đứa em út còn nhỏ dại, vụng về rồi tự tay cầm chai nước rót ra ly và uống một cách tự nhiên (Sau đó đồng chí thiếu tá Cảnh vệ cho biết là đã sơ suất không thông báo với tôi là đồng chí Lê Duẩn chỉ uống nước do Văn phòng Trung ương mang theo).

Trong thời gian diễn tập, Đại tướng quan sát rất chăm chú các hoạt động diễn ra, đặc biệt ánh mắt hiền từ và nụ cười rạng rỡ của Đại tướng như một sự động viên, khích lệ tinh thần cán bộ chiến sĩ rất to lớn. Chính điều này làm cho cuộc diễn tập bớt căng thẳng. Sau khi lệnh bấm nút được ban ra, bộ phận điều khiển sóng vô tuyến điện đã thực hiện nhanh gọn, chính xác động tác và cuộc thử nghiệm đã thành công mỹ mãn.

Nay Đại tướng, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đi, về với cõi vĩnh hằng nhưng ánh mắt, nụ cười bao dung, độ lượng của Đại tướng thì vẫn còn mãi. Với niềm tiếc thương vô hạn, tôi xin gửi đến vong linh của Đại tướng mấy dòng thơ:

Đại tướng lừng danh trong sách sử

Quân thù khiếp vía trước uy danh

Trí tuệ siêu phàm trong hàng tướng

Cầm quân điêu luyện, chí kiên trung

Vì nước, vì dân, đáng anh hùng.

Đại tướng tài cao, đức độ cao

Nhân dân thế giới kính nhường bao

Biết địch, hiểu ta trăm trận thắng

Đánh đâu thắng đó, nhờ tài cao.

Chút lòng thành kính viết thành thơ

Vị tướng ngàn sao sáng cõi bờ.

XUÂN HIẾU (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek