Thứ Bảy, 12/10/2024 13:22 CH
Bài học và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Tám
Thứ Hai, 02/09/2013 08:00 SA

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 do Đảng lãnh đạo bùng nổ và thắng lợi chỉ trong vòng hơn một tuần lễ. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa đã lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm và chế độ cai trị thực dân gần một trăm năm, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước và dân tộc Việt Nam.

bac-ho-doc130902.jpg

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 - Ảnh: T.LIỆU

QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THUỘC VỀ NHÂN DÂN

Ngay sau ngày Tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chính phủ tổ chức tổng tuyển cử tự do bầu quốc hội, soạn thảo Hiến pháp để nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ.

Hiến pháp năm 1946 ra đời là thành quả dân chủ to lớn, mở đầu quá trình phát triển của nền chính trị hiến pháp dân chủ Việt Nam. Hiến pháp nêu rõ quyền dân chủ rộng rãi của nhân dân, phác thảo những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân, thể hiện “một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T4, tr.440). Nhà nước mới được xây dựng là của toàn thể dân tộc và chính phủ là “chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”. Là chủ thể của nhà nước, nhân dân có thực quyền tham gia kiểm soát hoạt động của bộ máy nhà nước và công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước dân. Người thường dạy bảo, căn dặn cán bộ, viên chức rằng, dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân rồi sinh ra cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền. Bác còn chỉ ra những căn bệnh xuất hiện trong chính quyền mới như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo làm mất lòng dân và nhấn mạnh: Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng… (Xem Hồ Chí Minh, Toàn tập, T8, tr.375).

Đối với việc củng cố, xây dựng nhà nước mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng mở rộng quyền dân chủ và các điều kiện đảm bảo phát huy dân chủ, thực hiện dân chủ để nhân dân lao động có thực quyền kiểm soát chính quyền và hoạt động của bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức. Muốn thực hiện dân chủ thì người dân phải hiểu, biết quyền lợi và trách nhiệm của mình. Do vậy một giải pháp rất quan trọng mà Bác Hồ đưa ra để xóa nạn mù chữ là diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Theo Người, khi dân trí được nâng lên thì nhân dân mới có khả năng, sáng kiến tham gia xây dựng nhà nước, chọn lựa đại biểu, bổ sung chính sách, luật pháp cũng như thực hiện quyền dân chủ đúng đắn, thực hiện quyền giám sát, kiểm soát chính quyền nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân là một kiểu nhà nước mới do nhân dân lao động làm chủ, phục vụ lợi ích của dân và dân có quyền kiểm soát nhà nước. Vấn đề cốt lõi trong xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, bảo đảm lợi ích và quyền lợi thuộc về nhân dân thì phải giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

68 năm qua, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt quan tâm củng cố, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: Việc tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải đặt lên trước hết là xây dựng cơ chế vận hành, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Theo đó, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì nhân dân có quyền giám sát và bãi miễn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nếu họ không xứng đáng, không làm tròn nhiệm vụ “công bộc” của dân. Đó là nguyên tắc bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với chính quyền.

Theo tinh thần của Đại hội XI và các Nghị quyết Trung ương 4 và 7, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và HĐND các cấp tiếp tục đổi mới tổ chức gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.Việc tổ chức để toàn dân xây dựng và bổ sung Hiến pháp năm 1992 hiện nay và việc triển khai các nghị quyết Trung ương cho thấy rõ rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động nhà nước từ lập pháp, hành pháp và tư pháp đều thể hiện sự vận dụng sáng tạo, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới, mà nội dung cốt lõi là phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên việc củng cố, tăng cường và xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập với thế giới đang đặt ra nhiều nội dung và yêu cầu mới.

ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN LÀM NÊN THẮNG LỢI

Có thể nói đây là bài học sâu sắc nhất của Cách mạng Tháng Tám. Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và trực tiếp lãnh đạo đã đề ra đường lối đúng đắn: Toàn dân đoàn kết, quyết tâm giành độc lập dân tộc, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta đã vận dụng thời cơ, tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc làm nên thắng lợi vẻ vang.

Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khơi nguồn và phát huy cao độ suốt quá trình 15 năm kể từ khi thành lập Đảng. Đường lối cứu nước giải phóng dân tộc và qua các cao trào cách mạng 1930-1931; 1936-1939; 1941-1945 đã đưa nhân dân ta vào cuộc tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong cả nước. Tư tưởng đoàn kết toàn dân để vùng lên giành độc lập dân tộc khi có thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào thực tiễn cách mạng. Nhất là từ khi Bác Hồ về nước năm 1941, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã chủ trì hội nghị Trung ương lần thứ 8, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết thư Kính cáo đồng bào, kêu gọi nhân dân cả nước không phân biệt giai cấp, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì hãy đoàn kết dưới lá cờ Việt Minh để cứu lấy giống nòi, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trên cơ sở tiếp thu lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin để tổ chức, xây dựng, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam làm nhiệm vụ dẫn đường và tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền tảng cốt yếu nhất trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về đoàn kết toàn dân chính là yêu cầu từ thực tiễn cách mạng. Vì thế bài học ĐOÀN KÊT TOÀN DÂN của Cách mạng Tháng Tám trở thành chiến lược của cách mạng và vấn đề căn bản, quyết định nhất để xây dựng được khối đoàn kết toàn dân là tìm được mẫu số chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng mẫu số chung của toàn dân tộc là yêu nước, cùng hướng tới mục tiêu nước độc lập, dân tự do và hạnh phúc. Đó là chủ quyền quốc gia toàn vẹn và quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của mỗi con người, từ đó khắc phục những sự khác biệt giữa các giai cấp và các thành viên khác trong cộng đồng dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn cầu hóa trở thành xu thế thời đại, Việt Nam thực hiện mở cửa, hội nhập quốc tế thì đoàn kết toàn dân, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất là xuất phát từ nhu cầu khách quan. Trong quá trình đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn những mâu thuẫn xã hội do sự phát triển không đều ở các vùng miền và các tầng lớp dân cư, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân trong điều kiện mới, quan điểm của Đảng ta trong việc xử lý những mâu thuẫn trong xã hội, các nhóm người có lợi ích, quyền lợi khác nhau cần phải theo hướng phát triển cộng đồng, có lợi cho quần chúng nhân dân lao động, tránh đẩy tới mâu thuẫn đối kháng, không để cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chia rẽ. Trong khối đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo và là linh hồn. Là Đảng cầm quyền, đoàn kết của Đảng là cơ sở và là chỗ dựa để đoàn kết dân tộc.

Bài học sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám về phát huy khối đoàn kết toàn dân là đường lối cách mạng của Đảng phải có mục tiêu, phương pháp phù hợp với nguyện vọng và đem lại lợi ích cho đại đa số nhân dân.

Bài học đó đã được Đảng ta thấm nhuần và phát huy cao độ trong công cuộc đổi mới. Lãnh đạo toàn dân tiến hành đổi mới, Đảng ta đã đề ra đường lối và xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội “đem sức dân, tài dân để mang lại lợi ích cho dân” nên được toàn dân đồng tình, hưởng ứng và thực hiện đưa tới những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Nhiều chính sách của Đảng và Chính phủ đối với các dân tộc thiểu số, như các chương trình xóa đói, giảm nghèo đối với vùng núi, hải đảo, ven biển, vùng đồng bào dân tộc; chính sách ưu tiên cho con em đồng bào dân tộc, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên các xã nghèo, huyện nghèo trong phát triển kinh tế - xã hội đã thể hiện chủ trương đoàn kết dân tộc và gặt hái nhiều thắng lợi. Đoàn kết toàn dân là bài học lớn đã trải nghiệm qua lịch sử đấu tranh cách mạng lâu dài do Đảng lãnh đạo. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học này vẫn tươi nguyên giá trị.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta để lại nhiều bài học và giá trị to lớn. Thời gian càng lùi xa bài học, giá trị về ĐOÀN KẾT và TẤT CẢ QUYỀN BÍNH TRONG NƯỚC THUỘC VỀ NHÂN DÂN mãi mãi tỏa sáng, dẫn dắt nhân dân ta đi tới tương lai tươi sáng.

TS PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek