Thứ Hai, 14/10/2024 19:25 CH
Học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh - viết cho ai?
Thứ Ba, 09/07/2013 07:00 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp báo chí của Người rất phong phú. Cũng như mọi nhà báo lớn, Bác Hồ đã tạo cho mình phong cách riêng. Học tập đạo đức và phong cách báo chí Hồ Chí Minh là việc suốt đời của những người làm báo.

 

Bac-Ho-viet-bao.jpg

Ảnh: Tư liệu

Nói chuyện với các nhà báo trẻ, Bác Hồ dạy: “Trước khi cầm bút, mỗi người cần trả lời ba câu hỏi: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” Chỉ có 12 từ mà chứa đựng cả một kho tàng kiến thức, trải nghiệm kim cổ đông tây.

 

Một nhà văn nổi tiếng nước ngoài nói: “Ngồi vào bàn viết, tôi lúc nào cũng cảm thấy sau lưng mình có người độc giả đang xem những dòng chữ trải trên trang giấy”. Ý ông khuyên người viết cần trân trọng người đọc và đáp ứng nhu cầu người đọc. Đối với Bác Hồ, mỗi lần Bác cầm bút viết một bài báo bất cứ dài hay ngắn, cảm thấy hình như không phải sau lưng mà trước mặt Bác, sừng sững một đám đông độc giả hiện diện.

 

Độc giả của Bác Hồ, cũng như của tất cả chúng ta học trò của Bác, là công chúng, là nhân dân. Mục đích cao quý của báo chí là thực hiện quyền thông tin và được thông tin của người dân, phục vụ lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, đi vào tác nghiệp, mỗi bài không chỉ hướng tới công chúng một cách chung chung, mà đồng thời phải nhận diện độc giả cụ thể. Xác định ta đang viết cho ai, là đã có định hướng trả lời hai câu hỏi tiếp: viết để làm gì, viết như thế nào. Mỗi bài viết đều có cái đích của nó. Mỗi tầng độc giả có lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa cũng như yêu cầu, tâm tư, nguyện ước riêng. Nhà báo nhận diện độc giả để nhìn rõ cái đích và thấy hết trách nhiệm của mình, từ đó định hướng đúng nội dung, hình thức thể hiện cũng như cách diễn đạt tối ưu.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công nhiều thể tài báo chí. Vào độ tuổi ba mươi, đặt chân đến Paris mới được bốn, năm năm, vừa làm vừa học, Nguyễn Ái Quốc đã viết nên nhiều tác phẩm xuất sắc bao gồm chính luận, tiểu phẩm, tạp văn, tùy bút, truyện ngắn… bằng tiếng Pháp nhuần nhị, đến nay vẫn làm kinh ngạc nhiều nhà trí thức thành thục ngôn ngữ ấy. Năm 1966-1967, sưu tầm tư liệu để hoàn thành cuốn tiểu sử của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Jean Lacouture, một nhà báo, nhà văn, nhà sử học lớn đương đại Pháp, năm nay tròn 92 tuổi mà vẫn lao động miệt mài, đã thốt lên: “Sự đóng góp của Nguyễn Ái Quốc cho tờ Le Paria (Người cùng khổ) rất to lớn, ngày nay đọc lại các bài báo của ông vẫn thấy vô cùng hứng thú. Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba…”.

 

Rõ ràng khi viết báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã hướng tới tầng độc giả chủ yếu là nhân dân Pháp nhìn chung có học vấn khá, đặc biệt lớp trí thức, những người có khả năng tác động đến dư luận Pháp và thế giới. Mục tiêu các bài viết của Bác thời gian này là lên án chủ nghĩa thực dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp, góp phần thức tỉnh trí thức và nhân dân các nước thuộc địa đang chịu sự thống trị của thực dân Pháp hồi bấy giờ, đoàn kết nhau lại, tìm đường giải phóng.

 

Trở về Việt Bắc sau mấy chục năm bôn ba ở nước ngoài để chỉ đạo phong trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Bác Hồ đã lập một số tờ báo nhỏ, ấn loát thô sơ dành cho nhân dân lao động, trước hết là người miền núi, mà chẳng mấy ai có điều kiện học hành chu đáo ở trường. Bác đã viết nhiều bài ngắn gọn, thiết thực, dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền bá từ miệng sang tai (có khi dùng văn vần, biếm họa). Người xác định, mục tiêu cao nhất lúc này của báo chí là “Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết một lòng/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta” (Lời mở đầu Báo Việt Nam Độc Lập). Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Bác Hồ giao nhiệm vụ: “Chú Văn (Võ Nguyên Giáp) và chú Tô (Phạm Văn Đồng) viết bài cho báo”. Ý Bác nói, hai nhà trí thức chữ nghĩa nhiều thì phải phục vụ nhân dân cả bằng phương tiện thông tin, báo chí nữa - Anh Văn nói vui và kể tiếp: “Tôi đã cố gắng hết sức mình, viết thật ngắn, gọn, giản đơn, dễ hiểu, vậy mà trình Bác xem, Bác vẫn bảo: “Gì mà chú nói lòng thòng, rắc rối thế. Xén bớt đi, gọn hơn nữa, chữ nào khó hiểu thì tìm chữ khác”.

 

Thế nhưng năm 1945, tại ngôi nhà phố Hàng Ngang giữa lòng Hà Nội, Bác Hồ khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập, lời văn hùng hồn, khảng khái, nội dung khúc chiết, hàm lượng trí tuệ cao, tầm nhìn thời đại, có sức thuyết phục, làm xúc động lòng người. Các nhà nghiên cứu khẳng định, cùng với bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư của Lý Thường Kiệt và Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập 1945 xứng đáng là “thiên cổ hùng văn”. Lúc ấy Bác Hồ ý thức rõ trách nhiệm trọng đại trước nước trước dân, Bác viết không chỉ cho hôm nay mà cả cho mai sau, hướng về “toàn thể đồng bào” đã đành đồng thời dõng dạc tuyên ngôn với toàn thế giới, khẳng định một thực tế mới xuất hiện là “Việt Nam sự thực đã là một nước tự do độc lập”. Bác lên án chế độ thực dân và khẳng định ý chí toàn dân ta giữ gìn độc lập, tự do. Viết Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã trả lời đầy đủ ba câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Và Người đã thành công.

 

Trong thời gian cả nước kháng chiến chống Pháp cũng như sau Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại trên miền Bắc, sống tại chiến khu Việt Bắc rồi ở thủ đô Hà Nội, Bác Hồ tâm huyết viết hàng ngàn bài báo, tất cả đều thiết thực, ngắn gọn, giản đơn, mỗi bài nói một việc, một người, một vấn đề cụ thể, nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách, giáo dục cán bộ, và khi cần, qua báo chí vạch mặt kẻ thù, khẳng định lập trường, quan điểm của Việt Nam trước toàn thế giới. Bác Hồ làm báo không nhằm “lưu danh thiên cổ”, Bác coi mình chỉ là “người có duyên nợ với báo chí” - như lời Bác phát biểu tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1963 - tuy nhiên những cống hiến của Bác Hồ cho báo chí mãi mãi trường tồn.

 

PHAN QUANG (nguoilambao)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek