Thứ Hai, 14/10/2024 21:16 CH
Bác Hồ và sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam
Thứ Hai, 08/07/2013 14:30 CH

Ngay từ khi mới bước vào con đường đấu tranh cách mạng, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vai trò của báo chí, là công cụ để tổ chức, tập hợp, giáo dục quần chúng. Vì vậy, khi còn hoạt động ở nước ngoài, Người đã khổ công học tập, rèn luyện và đã trở thành một nhà báo xuất sắc, đem ngòi bút của mình góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.

 

Bac-Ho.jpg

Ảnh: Tư liệu

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, trong thời gian hoạt động ở Paris, Bác Hồ (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã có nhiều bài báo quan trọng, đăng trên các tờ báo lớn như tờ Nhân đạo (L’Humanite), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière)

 

Nhằm đoàn kết nhân dân các nước bị đế quốc Pháp chiếm làm thuộc địa, tháng 7/1921, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước này lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa, xuất bản tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) là cơ quan tuyên truyền của hội. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài với nhiều thể loại khác nhau trên báo này. Người đảm trách các nhiệm vụ quan trọng của tờ báo Người cùng khổ, mà ngày nay chúng ta gọi là Chủ nhiệm, Chủ bút, Tổng biên tập, đồng thời kiêm luôn cả việc phát hành, bán báo.

 

Báo Người cùng khổ bằng tiếng Pháp, một số đồng bào ta, chủ yếu là lính thợ, là công nhân lao động không đọc được chữ Pháp, nên đầu năm 1923, Nguyễn Ái Quốc có kế hoạch xuất bản tại Paris một tờ báo tiếng Việt lấy tên là Việt Nam hồn. Đồng chí đã viết lời quảng cáo, gửi đi nhiều nơi. Tờ Việt Nam hồn chưa kịp ra mắt bạn đọc, thì cuối tháng 6/1923 Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp, sang Liên Xô để dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản.

 

Trong thời gian ở Liên Xô và hoạt động ở Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài cho các báo và tạp chí: Sự thật, Tạp chí đỏ, Thư tín quốc tế, Quốc tế nông dân, Quốc tế phụ nữ.

 

Sau khi tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc được cử đến Trung Quốc với cương vị Ủy viên Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản. Người có điều kiện trực tiếp bắt tay vào công tác chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập ñảng tiên phong của giai cấp công nhân. Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, và xuất bản tờ báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của hội.

 

Thanh niên là tờ báo cách mạng đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, số 1 ra ngày 21/6/1925. Để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, người sáng lập nền báo chí cách mạng nước ta và ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng này, Trung ương Đảng quyết định hằng năm lấy ngày 21/6 làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, làm cho báo chí ngày càng có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

 

Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, cùng với nhiều việc quan trọng khác, Bác Hồ quyết định xuất bản ngay tờ báo Việt Nam Độc lập, trong hoàn cảnh bí mật, mật thám Pháp, Nhật luôn rình mò, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ hai (1959), Bác đã kể lại sự việc xuất bản tờ báo Việt Nam Độc lập như sau: Làm báo phải có đá in, mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tấm bia đá, rồi mài mất mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số đầu chữ in cứ toe toét. Nhưng cứ về sau tiến bộ dần. Mỗi lần in được gần ba trăm số. Đồng bào ta rất thích đọc báo Việt Nam Độc lập, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo.

 

Tờ báo Việt Nam Độc lập, tiếng nói chính thức của Mặt trận Việt Minh đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình là tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh, tiến hành Cách mạng Tháng Tám 1945.

 

Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, một lần nữa chúng ta học tập, nghiên cứu sâu hơn những chỉ dẫn của Bác Hồ, người sáng lập nền báo chí cách mạng nước ta: “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” để xứng đáng là “chiến sĩ cách mạng” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

 

BẰNG TÍN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek