Một người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước; rất nhiều lần vượt qua lằn ranh sinh tử, bởi phải đối mặt với kẻ thù được trang bị phương tiện hiện đại ngay trên biển, không một nơi ẩn nấp khi gặp tình huống phải chiến đấu. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa 12 chuyến tàu từ miền Bắc chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. 12 lần xuống tàu là 12 lần ăn “bữa cơm tươm tất, uống ly rượu tiễn”…
Theo ông, điều tạo nên một Đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu Không số huyền thoại, đó chính là nhờ sức mạnh nội sinh của chí căm hờn, óc thông minh và lòng dũng cảm!
Năm nay, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh vào tuổi thượng thượng thọ, tròn 90 tuổi, trong niềm vui khó nói hết bằng lời khi chứng kiến kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số do chính ông làm thuyền trưởng cập bến quê nhà.
Trong niềm vui lớn ấy, vẫn phong cách hào sảng, thân tình của một người lính biển, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh đôi lúc chùng xuống khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh, máu xương hòa vào biển cả…
Những kỷ niệm không quên trong đời lính Hải quân
* Thưa Thuyền trưởng tàu Không số 41, trong 12 chuyến chi viện vũ khí cho miền Nam trong vai trò thuyền trưởng, đâu là chuyến đi khó khăn và nhiều kỷ niệm nhất?
- Phải nói ngay rằng, mỗi chuyến tàu là một nhiệm vụ khó khăn. Trong hoàn cảnh như vậy luôn có những dấu ấn, kỷ niệm khó phai mờ. Bởi những kỷ niệm đó, có khi là chuyện tình cảm, là bài học quý, cũng có khi là giữa sự sống và cái chết. Bởi vậy, sau hơn 60 năm bắt đầu làm thuyền trưởng (từ năm 1962) những chuyến tàu Không số, nhiều câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc vẫn còn đọng lại trong tôi.
Đó là chuyến đầu tiên làm thuyền trưởng trong đời, chở 50 tấn vũ khí vào bến Khâu Băng (Bến Tre), khi vào sông Cổ Chiên phải nhờ người dân hướng dẫn luồng lạch. Sau lần đó, tôi rút ra bài học cho mình: Phải biết dựa vào dân, Nhân dân là thầy của ta.
Chuyến tàu thứ 7, vào tháng 10/1964, nhận nhiệm vụ chở 60 tấn hàng vào miền Nam, đến khu vực quần đảo Hoàng Sa thì mắc cạn. Con tàu cả trăm tấn, cùng 60 tấn vũ khí mang theo lại bị mắc cạn giữa biển đúng là họa vô đơn chí. Trước đó đã có 2 tàu của ta mắc cạn ở khu vực này phải hủy tàu. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thoát được bãi cạn. Lần đó tàu 41 được cấp trên đánh giá là thành công kép, vừa đưa tàu khỏi mắc cạn, không phải phá hủy tàu, vừa đưa hàng cập bến an toàn. Bài học rút ra là tinh thần đoàn kết cùng với óc sáng tạo và dũng cảm của người lính Hải quân.
Chuyến tàu vào bãi ngang Quảng Ngãi thả hàng giữa mùa biển động (tháng 11/1966), lại bị địch phát hiện; thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ hy sinh, chúng tôi phải đánh bộc phá tự hủy tàu. Kỷ niệm về chuyến tàu chạy một vòng từ Bắc vào Nam, qua hải phận các nước Đông Nam Á rồi trở về bến cũ vì máy bay và tàu chiến Mỹ “hộ tống” quá chặt…
Dĩ nhiên, trong số 12 chuyến tàu tôi làm thuyền trưởng, 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô với tôi là đặc biệt nhất, mang ý nghĩa thiêng liêng và cũng để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó phai mờ nhất.
* Thưa thuyền trưởng anh hùng, nhiều lần ông kể về kỷ niệm 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô, ông có thể chia sẻ cảm xúc “đặc biệt thiêng liêng” này?
- Phải nói là điều này đã hằn sâu trong nếp nhăn ký ức của tôi. Điều may mắn là tất cả những kỷ niệm, dấu ấn của 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô đều là những ký ức đẹp.
Đầu tiên phải nói về cảm xúc lần đầu tiên nhận nhiệm vụ về Phú Yên. Rất đặc biệt! Trong 7 chuyến tàu vào miền Nam trước đó, qua biển miền Trung, tôi đều hướng về phía mặt trời lặn, nơi đó là bờ biển quê tôi, và mong ước, cấp trên sẽ giao nhiệm vụ chi viện cho quê nhà. Ngày được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ cập bến Vũng Rô, tôi mừng đến run người, rơi nước mắt, suốt nhiều đêm không ngủ, thao thức, rộn ràng.
Trong 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô thành công đều để lại những kỷ niệm sâu sắc giữa tàu và bến. Đó là lần đầu bị “việt vị” khi bến không nhận được tín hiệu của tàu, khiến tất cả như thót tim, sau đó vỡ òa giây phút gặp nhau. Đó là lúc ôm Bến trưởng Trần Suyền và giây phút đầu tiên đứng trên mảnh đất quê hương. Đó là thời khắc tôi - thuyền trưởng phải đưa ra quyết định tàu ở lại qua đêm hay rời bến theo mệnh lệnh cấp trên. Đó là kỷ niệm chứng kiến cảnh chiến sĩ, dân công phải ăn trái sung thay cơm mà rơi nước mắt, để rồi chuyến tàu thứ hai tôi kiên quyết đề nghị cấp trên phải chở thêm 3 tấn gạo Tám thơm để tặng bến. Đó là giây phút đón giao thừa năm Ất Tỵ (1965) giữa Vũng Rô, giữa vùng kiểm soát nghiêm ngặt của địch mà nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Và đó là hình ảnh cô dân công Nguyễn Thị Tảng cùng nắm đất Vũng Rô buộc trong chiếc khăn tay chạy theo tàu gửi tấm lòng quân dân Phú Yên ra miền Bắc…
Tất cả đều hiện lên sống động mỗi khi nghĩ đến.
Trước đây, những người lính của đoàn tàu Không số trở thành huyền thoại là nhờ vào sức mạnh của ý chí căm hờn, óc thông minh và lòng dũng cảm. Thế hệ hôm nay, hãy biến tinh thần, hào khí ấy thành sức mạnh xây dựng quê hương, đất nước, vững bước trên con đường chinh phục các đỉnh cao mới. Đây là trách nhiệm và sức mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và người dân Phú Yên trong tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới... |
* Nói đến bữa cơm tiễn hay “lễ truy điệu sống”, người ta liên tưởng, dự ước điều không hay. Cảm xúc của ông và đồng đội lúc ấy như thế nào?
- Phải nói là ở thời điểm ấy, việc được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân chủng cùng ăn bữa cơm tiễn là vinh dự cho người lính ra trận. Vì phải là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mới có được vinh dự ấy.
Tôi nhớ mãi buổi tiễn biệt đầu tiên, chiều tháng 9/1963, chỉ huy tổ chức một “mâm cơm” tiễn đưa tàu. Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương và nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đến dự. Khác với những bữa ăn thông thường, trong phòng treo lá cờ Tổ quốc và dòng chữ “Lễ tiễn đưa tàu lên đường chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam”, được viết bằng mực đỏ trên giấy dó màu vàng.
Không khí như nén chặt bởi sự trang nghiêm và xúc động. Với giọng trầm ấm, Phó Thủ tướng Phạm Hùng phát biểu, đại ý: Tôi thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng dự bữa cơm tiễn đưa các đồng chí lên đường vào miền Nam. Giữa mùa biển động, lại phải qua các vòng phong tỏa của địch, chúc và mong các đồng chí cập bến an toàn và trở về. Nhưng, cũng có thể tàu các đồng chí vĩnh viễn không bao giờ về. Mâm cơm hôm nay như một “Lễ truy điệu sống”; đồng thời là sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng với các đồng chí...
Sau đó, Phó Thủ tướng tiến đến bắt tay và ôm chặt chúng tôi. Tôi cảm nhận năng lượng, hơi ấm của đồng chí Phạm Hùng là năng lượng, hơi ấm của Đảng, Chính phủ truyền cho mỗi chúng tôi. Năng lượng ấy đã tiếp thêm sức mạnh để tôi 12 lần vào Nam ra Bắc, đương đầu với hy sinh, chết chóc nhưng vẫn an toàn trở về... …
Dẫu biết rằng, đi là vất vả gian nan/ Cũng có thể hy sinh cùng con tàu làm nhiệm vụ/ Nhưng không một người do dự/ Chẳng phải tính toán nghĩ suy/ Để mỗi chuyến ra đi là mang về tin thắng lợi…
Mong ước về một Vũng Rô bừng sáng
* Lính Hải quân của đoàn tàu Không số, ra đi là biền biệt, vì nhiệm vụ quên cả tình riêng. Ông nói gì với “hậu phương” mỗi chuyến trở về? Và bây giờ ở cái tuổi thấm hết nghĩa lý cuộc đời, ông có lời nào với người vợ tào khang?
- Bà nhà tôi là học sinh miền Nam trên đất Bắc, rồi trở thành cô giáo dạy Hóa cấp 3 Chúng tôi lấy nhau giữa chiến tranh, khi ấy tôi đã là lính Hải quân. Vậy nên nhiệm vụ của người lính với đất nước, bà nhà tôi rất hiểu, còn động viên chồng cố gắng hoàn thành. Sau mỗi chuyến tàu thành công trở về, được nghỉ phép về nhà chỉ biết mừng mừng tủi tủi: mình còn sống.
Sau giải phóng, năm 1984, căn bệnh tai biến đã khiến tôi phải rời quân ngũ, mới ở tuổi 50. Vợ tôi và gia đình muôn đời vẫn là bệ đỡ. Hôm đón tôi chính thức nghỉ hưu, vợ tôi vui lắm, bởi sau bao nhiêu năm phấp phỏng lo âu mỗi khi chồng nhận nhiệm vụ, từ giờ cô ấy toàn tâm, toàn ý chăm lo từng miếng ăn, viên thuốc, dù vẫn phải gánh vác mọi công việc nuôi dạy con cái học hành, làm tròn nhiệm vụ chuyên môn. Trước sau tôi vẫn không có lời nào hơn để cảm ơn người vợ tào khang, thủy chung son sắt: Cô giáo Lê Thị Bích Anh. Tôi chỉ biết yêu thương, tôn trọng hết mực, như người lính Hải quân yêu biển, yêu tàu.
* Thưa Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, là một chứng nhân lịch sử của huyền thoại Vũng Rô, huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, là biểu tượng của tinh thần, ý chí, sức mạnh Việt Nam trong những năm kháng chiến cứu nước, ông có lời căn dặn và mong ước gì với thế hệ hôm nay?
- Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tinh thần, hào khí của đoàn tàu Không số, Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn là nguồn cảm hứng bất tận. Thế hệ trẻ cần nhận thức rõ rằng, di sản lịch sử không chỉ là những trang vàng quá khứ mà còn là ánh sáng soi đường cho hiện tại và tương lai.
Truyền thống cách mạng, những hy sinh và sáng tạo của những người đi trước cần được chuyển hóa thành động lực trong học tập, lao động và cống hiến. Đây là cách thiết thực nhất để thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy tinh thần ấy trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên CNH-HĐH.
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, hào khí từ tàu Không số cần được tiếp tục lan tỏa và phát huy. Trước đây, những người lính của đoàn tàu Không số trở thành huyền thoại là nhờ vào sức mạnh của ý chí căm hờn, óc thông minh và lòng dũng cảm. Thế hệ hôm nay, hãy biến tinh thần, hào khí ấy thành sức mạnh xây dựng quê hương, đất nước, vững bước trên con đường chinh phục các đỉnh cao mới. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và người dân Phú Yên trong tâm thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.
Với vị trí địa lý chiến lược, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, Vũng Rô, không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch trong thời kỳ mới. Việc xây dựng Vũng Rô thành một KKT, du lịch hiện đại không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, đưa Vũng Rô trở thành biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)