Với mục tiêu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để giúp người dân, doanh nghiệp sớm tiếp cận cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS), mới đây Sở TT-TT, UBND huyện Tây Hòa và Hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số: Chính quyền đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
ÔNG TRẦN THANH HƯNG, GIÁM ĐỐC SỞ TT-TT, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO CĐS TỈNH: Đưa chuyển đổi số ở cơ sở đi vào thực chất
Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính gồm: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số, đẩy nhanh CĐS doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số; chính quyền số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Để CĐS sớm đi vào thực tiễn, chính quyền cấp huyện, xã cần sớm vào cuộc với nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CĐS; thực hiện CĐS gắn liền với lợi ích thiết thực hàng ngày của người dân, doanh nghiệp; giúp bộ máy chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Từ đó đưa CĐS ở cấp cơ sở đi vào thực chất.
Hạ tầng số của tỉnh hiện ở mức tương đối với 100% UBND xã có kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng; hơn 62,4% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 76% hộ gia đình có đường truyền kết nối băng rộng… Với những bước đệm này, cùng sự đồng hành của chính quyền với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện CĐS thì có thể tin rằng thứ hạng CĐS của tỉnh sẽ sớm xếp vào nhóm trung bình trong cả nước và CĐS của cấp huyện, cấp xã sẽ có nhiều khởi sắc.
ÔNG TRẦN MINH TRÍ, PHÓ BÍ THƯ, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂY HÒA: Người dân và doanh nghiệp sẽ là trung tâm thực hiện chuyển đổi số
Hiện nay, CĐS trong các cơ quan hành chính Nhà nước của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 10/2022, UBND huyện Tây Hòa đã giải quyết đúng hạn cho gần 98% hồ sơ. Đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX đều đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hầu hết người dân địa phương đều sử dụng điện thoại thông minh…
Tuy nhiên, các hoạt động công nghệ số chưa được ứng dụng sâu rộng, việc CĐS ở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa đi vào chiều sâu… Đây là những hạn chế trong việc CĐS tại địa phương hiện nay.
Để khắc phục những hạn chế này, địa phương xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của việc thực hiện CĐS. Do đó, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về CĐS cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, chính quyền cũng sẽ làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa các giải pháp công nghệ hỗ trợ thúc đẩy CĐS cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Địa phương cũng sẽ kiện toàn các tổ công nghệ số cộng đồng bởi đây sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn thúc đẩy người dân tham gia CĐS.
ÔNG TRẦN BÁ DŨNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP HUYỆN TÂY HÒA: Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp
Đa số doanh nghiệp của Tây Hòa đều là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chủ doanh nghiệp thường làm rất nhiều việc từ quản lý, tiếp thị, kế toán đến bán hàng… Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp đều thiếu thông tin về công nghệ số, khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ.
Trình độ của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế, lãnh đạo đã lớn tuổi chưa bắt kịp và làm chủ được công nghệ, nguồn lực tài chính, nhân lực, hạ tầng số còn yếu và thói quen quản trị theo kiểu truyền thống… Đây là những hạn chế mà các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang gặp phải trong quá trình CĐS.
Thời gian tới, để khuyến khích các doanh nghiệp sớm vào cuộc, Chính phủ cần có định hướng công nghệ trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia CĐS và những doanh nghiệp cung cấp giải pháp CĐS.
Về phía tỉnh cần thành lập hoặc tích hợp quỹ hỗ trợ CĐS với quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ doanh nghiệp đạt được cấp độ CĐS theo quy định. Ngành Thuế cũng cần có giải pháp để các phần mềm chuyên ngành có thể kết nối, tương thích hóa dữ liệu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp CĐS cần các gói hỗ trợ, tài trợ cho các doanh nghiệp đăng ký CĐS mạnh mẽ hơn nữa…
ÔNG NGUYỄN ĐỨC VŨ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ HÒA ĐỒNG: Huy động hệ thống chính trị vào cuộc
Là xã thuần nông với đa phần người dân sản xuất nông nghiệp nên xuất phát điểm triển khai CĐS của địa phương còn thấp. Trong đó, những khó khăn lớn nhất mà địa phương đang gặp phải là nguồn nhân lực phục vụ CĐS còn thiếu, chưa được tập huấn nhiều; cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hệ thống internet chưa được nâng cấp nên đường truyền không ổn định; việc thanh toán qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được thực hiện tại địa phương; đa số người dân làm nông nghiệp nên chưa biết nhiều đến CĐS…
Với mục tiêu sớm đưa Hòa Đồng hòa nhập vào tiến trình CĐS quốc gia, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt trong phối hợp giữa chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về CĐS.
Chính quyền cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tạo sự kết nối, giúp việc cập nhật thông tin, kiến thức mới kịp thời để triển khai đến người dân nhanh nhất, thúc đẩy việc thực CĐS trên địa bàn. Địa phương rất mong các doanh nghiệp viễn thông sớm đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông trên địa bàn, đảm bảo phủ sóng 3G, 4G và internet băng rộng cố định đến trung tâm xã và các thôn. Sở TT-TT cần hỗ trợ địa phương tập huấn, đào tạo cho đội ngũ phụ trách CĐS để hướng dẫn công nghệ số cho cộng đồng…
BÀ LƯƠNG THỊ HUỲNH TRIỂM (THÔN PHƯỚC THÀNH NAM, XÃ HÒA PHONG), CHỦ CƠ SỞ SẢN XUẤT BỘT NGŨ CỐC FAIMY9: Mở ra cơ hội cho nhiều người
Cơ sở sản xuất bột ngũ cốc của gia đình ra đời từ năm 2015, tuy nhiên, thời gian này sản phẩm hầu hết cung cấp cho những người quen, bạn bè tại địa phương. Từ khi tôi tiếp cận với các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến thông qua zalo, facebook…, sản phẩm của gia đình đã tiếp cận được với nhiều thị trường mới, vươn xa ra thị trường các tỉnh ngoài.
Nếu như trước đây, muốn đưa sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh, người sản xuất chỉ có con đường duy nhất là kết nối đưa vào các cửa hàng, siêu thị… Còn nay, nhờ có công nghệ số, chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại, toàn bộ sản phẩm của gia đình được quảng bá trên các nền tảng số với sự kết nối hàng ngàn, hàng triệu người.
Công nghệ số đã mở ra những cơ hội kinh doanh, những thị trường rộng lớn đầy tiềm năng cho người sản xuất. Nếu chúng ta kịp thời nắm bắt, thích ứng thì cơ hội thành công là rất lớn. Chúng tôi rất mong chính quyền đẩy nhanh tốc độ CĐS, đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ số của người dân, doanh nghiệp địa phương.
THỦY TIÊN (ghi)