Bước đầu tiếp cận công nghệ số, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh trải nghiệm những lợi ích mà nó mang lại. Cùng với đó, các HTX cũng phải đối mặt với những thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh.
Các HTX cần được tập huấn nâng cao kiến thức công nghệ số. Ảnh: MINH DUYÊN |
Giải quyết nhanh nhu cầu thiết thực
“…cần gấp 4 tấn khóm cho nhà máy sấy dẻo. Anh chị em có nguồn nhắn qua zalo hoặc gọi số điện thoại…”, đó là dòng thông tin của giám đốc HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (HTX An Mỹ) ở huyện Tuy An đưa lên nhóm zalo “HTX PY”. Ở thời điểm 5 năm trước, muốn tiếp cận thông tin như vậy, HTX phải có mối quan hệ rộng. Còn hiện nay, bằng công nghệ số, chưa đầy 5 giây và chỉ cần một tiếng “ting ting” trên điện thoại thông minh, HTX ngay lập tức nắm bắt được. Với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (HTX Đồng Din) ở huyện Phú Hòa, đơn vị quản lý vùng trồng khóm rộng hơn 30ha thì đây chính là nguồn thông tin quan trọng giúp HTX có cơ hội tiêu thụ nông sản này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Đồng Din, HTX sẽ liên lạc trao đổi những yêu cầu cụ thể về sản phẩm từ phía đối tác cũng như thỏa thuận giá cả để hợp đồng. Nếu phù hợp có thể trở thành bạn hàng lâu dài trong tương lai. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX An Mỹ, cho biết: Trong quá trình làm việc, tôi nắm được thông tin thì chia sẻ lại cho các HTX khác. Ngược lại, mọi người có thông tin cũng chia sẻ với tôi. Công nghệ giúp các HTX dễ dàng liên kết với nhau hơn. Trước, HTX thụ động chờ đối tác tìm tới hợp đồng do không có khả năng nắm bắt được công ty nào, ở đâu cần mặt hàng của mình. Có năng lực hơn một chút, HTX mang sản phẩm tới các hội chợ chào hàng nhưng chi phí cho mỗi lần đi cũng không nhỏ. Nay, tiếp cận công nghệ số, HTX chủ động giao kết bạn hàng trong và ngoài tỉnh nên phạm vi tiêu thụ được mở rộng hơn.
HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (HTX Hòa Đồng) ở huyện Tây Hòa được nhận gần 30 triệu đồng hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm bột hạt sen theo Quyết định 1211 của UBND tỉnh. Ngay khi quyết định được phê duyệt, giám đốc HTX này đã tiếp cận được thông tin. Theo ông Nguyễn Đồng Minh, Giám đốc HTX Hòa Đồng, thông thường các quyết định từ tỉnh theo đường công văn về đến huyện, rồi phân nhiệm vụ cho các phòng. Cán bộ chuyên môn mới làm thông báo gửi bưu điện cho HTX. Khi HTX nhận được, nhanh cũng cả tuần còn chậm có thể cả tháng. Với công nghệ số thì khác, thông tin được cập nhật liên tục nên mọi việc được nắm bắt nhanh hơn, kịp thời hơn.
Nâng sức cạnh tranh
Trước kia, nói tới gạo nhiều người nghĩ ngay tới gạo Hoa Vàng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An). Nay, nhờ công nghệ số, một cái kích chuột khách hàng có thể biết tới hàng trăm sản phẩm gạo, trong đó riêng khối kinh tế tập thể của tỉnh cũng rất nhiều lựa chọn như: gạo Hòa Thành, gạo Hòa Phú, Hòa Mỹ Tây… Các nông sản khác cũng vậy, nói tới khóm đâu chỉ có Đồng Din mà còn Hòa Quang Nam, Ea Bar; sen cũng đâu riêng TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa cũng có… Đây chính là thách thức với các HTX nên việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều HTX phải làm.
Ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Kiến 2 (TP Tuy Hòa), cho biết: Đơn vị đang xây dựng sản phẩm gạo thơm Sơn Triều theo hướng OCOP, bởi các tiêu chuẩn của OCOP là sự đảm bảo về chất lượng với người tiêu dùng. HTX đáp ứng được các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, mẫu mã cũng như minh bạch nguồn gốc là đã có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, các tiêu chuẩn này nâng dần lên theo mức độ 3 sao, 4 sao đồng nghĩa với năng lực quản trị sản phẩm của HTX cũng nâng lên.
Còn theo ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), những yếu tố như vùng sản xuất truyền thống gắn với thổ nhưỡng, khí hậu để tạo nên sản phẩm sẽ được tích hợp trong tem truy xuất nguồn gốc. Điểm cộng này chính là lợi thế cạnh tranh của HTX bởi quản lý sản xuất của HTX gắn với vùng sản xuất truyền thống, nơi tạo nên đặc sản địa phương. HTX cần đầu tư giống, phương pháp canh tác tiên tiến, dây chuyển sản xuất chế biến hiện đại…
Vấn đề tiếp cận công nghệ số với thành phần kinh tế tập thể tỉnh, cho đến nay thành công lớn nhất là các HTX hiểu được lợi ích mà nó mang lại cũng như coi đây là yếu tố tất yếu để phát triển trong giai đoạn hội nhập. Trên thực tế, năng lực cạnh tranh của các HTX trên thị trường số rất yếu, tính thương mại chưa cao. Do các HTX mới bắt đầu mở cánh cửa công nghệ, thiếu những kỹ năng cần thiết nên rất cần được tập huấn và hỗ trợ từ phía các đơn vị quản lý.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
BẠCH VÂN