Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Trước tình hình này, các trường tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học để thích ứng với bối cảnh mới.
THAY ÐỔI TƯ DUY, QUẢN TRỊ TRƯỜNG HỌC THÔNG MINH
Nhập học từ tháng 10/2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay, Lê Minh Trung, tân sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung chỉ được diện kiến bạn bè, thầy cô giáo qua màn hình máy vi tính thông qua các chương trình sinh hoạt trực tuyến và học online. Lê Minh Trung cho rằng, thầy cô giáo vẫn đảm bảo các hoạt động như phản biện, thuyết trình, dự án học tập… qua hình thức dạy - học trực tuyến nên sinh viên phải thích ứng với cách học này trên không gian mạng.
Là sinh viên ngành Kiến trúc - ngành học đòi hỏi sự chịu khó, tìm tòi và sáng tạo nên đối với Trung, tinh thần tự giác là yếu tố quan trọng giúp đem lại kết quả cao trong quá trình học tập. Trung bày tỏ: “Theo em, trong điều kiện nghỉ học vì dịch COVID-19, sinh viên nên chịu khó sắp xếp thời gian học trực tuyến, đừng coi thường mà bỏ qua buổi học nào. Các bạn nên đề cao tinh thần tự học, coi đây là cơ hội để rèn kỹ năng”.
Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi hoạt động giáo dục đều bị ảnh hưởng, nhưng với mục tiêu tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng số hóa, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho 100% nhà giáo về kỹ năng giảng dạy, thiết kế bài dạy trực tuyến nhằm giúp cán bộ, giảng viên tiếp cận quá trình chuyển đổi số, quản lý số của nhà trường. Hiện các trường trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thiết bị, công nghệ để đội ngũ nhà giáo, cán bộ chuẩn bị bài giảng và giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hướng đến trường học thông minh.
PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Học online không phải là giải pháp tình thế mà được nhà trường đánh giá là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Ngay cả khi hoạt động dạy học trực tiếp trở lại thì học online cũng sẽ được sử dụng dưới hình thức hỗ trợ hoặc kết hợp cho việc học truyền thống trên lớp; trở thành một phần trong việc dạy và học xuyên suốt của nhà trường trong thời gian đến.
Các trường đại học Phú Yên, cao đẳng Công Thương Miền Trung, cao đẳng Nghề Phú Yên cũng đang tập trung vào hoàn thiện thể chế số, phát triển công nghệ dạy học, công nghệ chuyên môn, quản trị nhà trường theo số hóa. TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho hay: Ðể thích ứng với tình hình dịch COVID-19, các hoạt động của nhà trường đều được số hóa, đặc biệt là phát triển các hình thức dạy và học trực tuyến. Việc chuyển đổi số của nhà trường từng bước thay đổi tư duy quản trị, chuyển đổi việc kết nối các dữ liệu trong hệ thống hướng đến trường học thông minh.
Nhờ thích ứng kịp thời với chuyển đổi số, sinh viên Trường đại học Phú Yên tự tin khi học trực tuyến - Ảnh: THÚY HẰNG |
PHẢI TRỞ THÀNH “MÔI TRƯỜNG SỐ”
Cuối tháng 6/2021, dịch COVID-19 bùng phát tại Phú Yên. Ðây cũng là thời điểm sinh viên năm cuối các trường chuẩn bị tốt nghiệp. Ðể đảm bảo kế hoạch tốt nghiệp cũng như xin việc làm của sinh viên, Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã tổ chức bảo vệ đồ án tốt nghiệp cho các sinh viên năm cuối theo hình thức trực tuyến. Một việc làm tuy mới nhưng nhờ chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin nên thầy và trò nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Hay như Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung lần đầu tiên tổ chức chương trình trao bằng tốt nghiệp theo hình thức online cho học sinh, sinh viên bằng cách sử dụng robot nhận bằng thay người tốt nghiệp. Khi người điều hành đọc đến tên người tốt nghiệp, robot sẽ hiển thị khuôn mặt người đó và tiến lên nhận bằng tốt nghiệp từ ban giám hiệu nhà trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến và quản trị nhà trường đang thể hiện là một hướng đi phù hợp trong lộ trình chuyển đổi số và nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cơ sở đào tạo.
TS Nguyễn Thị Kim Trọng, Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường đại học Xây dựng Miền Trung chia sẻ: Quản trị kinh doanh là ngành học mới được mở trong năm học 2021-2022 của trường. Nhưng nhờ hệ thống E-Learning được nhà trường đưa vào vận hành mạnh mẽ nên các lớp học đều triển khai các công cụ trực tuyến bổ trợ. Nhờ đó, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sinh viên vẫn được tiếp cận nền kinh tế số hóa theo cách sử dụng hiệu quả các mạng xã hội, phân tích, khai phá các dữ liệu kinh doanh bằng công nghệ, giúp kết nối sâu sắc lý thuyết - dữ liệu - thực tiễn.
Song song với việc chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, hiện các trường đều sử dụng công cụ quản trị thông minh như lịch giảng, thời khóa biểu, quản lý khoa học, đánh giá KPI cho viên chức theo hình thức số hóa. “Dịch COVID-19 vừa qua gây áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giảng viên, học sinh, sinh viên thích ứng phương thức dạy học trực tuyến. Tôi rất mừng khi kết quả dạy học online trong thời điểm dịch COVID-19 của các trường được đánh giá tốt”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðào Mỹ nhìn nhận.
Khẳng định tính cấp thiết, thời sự nhưng cũng lâu dài của chuyển đổi số trong giáo dục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðào Mỹ đề nghị các trường tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực. Các trường cần phải thực hiện mạnh mẽ và thường xuyên để thời gian tới, dù trong hoàn cảnh nào cũng đảm bảo tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với công cuộc chuyển đổi số.
Cùng với cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, việc đầu tiên mà các trường cần làm là chuyển đổi toàn bộ nhà trường thành một “quốc gia số” thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của trường, của giáo viên, của người học sẽ chuyển lên môi trường số, đây cũng là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất. |
THÚY HẰNG