Thứ Năm, 02/05/2024 05:34 SA
Hiệp định Genève và cuộc chiến 7.000 ngày
Thứ Sáu, 15/07/2022 07:00 SA

Trước sự kiện kỷ niệm 68 năm ngày ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954-20/7/2022), thời gian gần đây, các thế lực thù địch lại xuyên tạc rằng Đảng ta không thực thi hiệp định và là phía đã gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu giữa 2 miền Nam - Bắc. Chúng tôi xin làm rõ vấn đề này để dư luận rõ hơn dã tâm của những lời lẽ xuyên tạc sự thật, đồng thời có cái nhìn chuẩn mực ai là kẻ đã không thực thi hiệp định, đẩy đất nước vào cuộc chiến tranh tàn khốc suốt 7.000 ngày.

 

Đoàn Việt Nam ký Hiệp định Genève năm 1954. Ảnh: TL

 

Từ Hiệp định Genève

 

Tháng 1/1954, ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp đã họp tại Berlin để giải quyết vấn đề thống nhất nước Đức. Tại cuộc họp này, 4 nước đã quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Genève (Thụy Sĩ) để giải quyết 2 vấn đề: Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

 

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Genève chính thức khai mạc với sự tham gia chính thức của các đoàn đại diện: Vương quốc Anh, Pháp, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp không phải là thành phần chính thức), Lào, Campuchia. Đồng chủ tịch hội nghị là Anh và Liên Xô. Nội dung đầu tiên của hội nghị là bàn về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, khi nội dung này chưa ngã ngũ thì chiến trường Điện Biên Phủ đã đi đến hồi kết.

 

Vào 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, nhận được tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ, lập tức, sáng hôm sau, ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương sớm được đưa lên bàn nghị sự. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Lập trường bất biến của chúng ta là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do Nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài... Tuy nhiên, do quan điểm giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. Trong khi chúng ta kiên quyết đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở các bên tham gia phải công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia thì đoàn Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn.

 

Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra hội nghị, nội các của Thủ tướng Pháp Laniel lúc này đang bị Nhân dân Pháp lên án và buộc phải từ chức ngày 12/6/1954. Chính trường Pháp lúc bấy giờ đã có sự thay đổi. Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, Mendès France thuộc phái chủ hòa lập chính phủ mới. Ngày 18/6/1954, khi nhậm chức, ông Mendès France tuyên bố sẽ từ chức, nếu trong vòng 1 tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Cũng vào thời điểm này, tại Sài Gòn, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng thay Bửu Lộc dưới quyền Bảo Đại.

 

Có thể nói, đây là hội nghị cân não giữa các bên tham gia, đặc biệt là vấn đề về Việt Nam. Hội nghị đã diễn ra trong 2 tháng rưỡi, trải qua 23 phiên họp hẹp và 8 phiên họp toàn thể với thế giằng co, quyết liệt. Từ ngày 10-20/7/1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán, các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt với quan điểm ngầm hiểu của các bên là không thể để hội nghị thất bại. Mặc dù vậy, vấn đề giới tuyến phân vùng tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam vẫn còn những bất đồng. Pháp đưa ra đề nghị tạm chia đôi đất nước Việt Nam và lập một chính phủ liên hiệp. Chúng ta chấp nhận ý kiến và đưa ra những đề nghị về làn phân ranh tạm thời. Pháp thì đề nghị làn phân ranh ở vĩ tuyến 18, chúng ta thì yêu cầu ở vĩ tuyến 13. Ngày 9/7/1954, chúng ta nhân nhượng đưa làn phân ranh xuống vĩ tuyến 14 nhưng Pháp không đồng ý. Ngày 13/7, chúng ta lại một lần nữa nhân nhượng, yêu cầu đưa giới tuyến tạm thời xuống vĩ tuyến 16 nhưng một lần nữa phía Pháp không tán thành. Đến ngày 19/7 thì hai bên mới đạt được thỏa thuận ranh giới tạm thời ở vĩ tuyến 17.

 

Cuối cùng, tại cuộc họp đêm 20/7/1954, các trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào phút chót mới đạt được thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời chia đôi hai miền đất nước và thời hạn tổng tuyển cử thống nhất 2 miền được ấn định là 2 năm. Hiệp định nhấn mạnh: “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”. Quân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Những nội dung cơ bản này đã được các bên thống nhất thông qua tại tuyên bố chung của hội nghị ngày 21/7/1954.

 

Đến sự bội ước

 

Lẽ ra, theo tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève thì tổng tuyển cử ở cả hai miền được thực thi vào tháng 7/1956, nhưng Ngô Đình Diệm đã tìm mọi cách bác bỏ. Theo nhận xét của các chính khách phương Tây thì Ngô Đình Diệm là kẻ ngoan cố và khao khát quyền lực chuyên chế, chính vì vậy mà Diệm sẽ không bao giờ đạt được lòng dân. Năm 1956, Allen Dulles đệ trình lên Tổng thống Mỹ Eisenhower một báo cáo, tiên đoán rằng nếu tổng tuyển cử diễn ra thì “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi”. Allen Dulles hiến kế lối thoát duy nhất cho Ngô Đình Diệm là tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève. Lối thoát này đã được Mỹ khuyến khích, hậu thuẫn, và Ngô Đình Diệm nhất nhất làm theo.

 

Trong khi Diệm tìm mọi cách để từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, thì chúng ta vẫn chuẩn bị cho tổng tuyển cử và một mực theo đuổi các giải pháp hòa bình với mục tiêu duy nhất là độc lập, thống nhất đất nước. Tháng 3/1955, Ủy ban Trung ương Đảng Lao động ra nghị quyết chính thức tuyên bố chính sách đặt ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng miền Bắc, đồng thời sử dụng ngoại giao để kêu gọi một giải pháp hòa bình cho miền Nam. Chúng ta rất nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi các đồng chủ tịch Hội nghị Genève, nhắc nhở Pháp thực thi trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miền Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do theo đúng tinh thần Hội nghị Genève.

 

Tháng 6/1955, chúng ta tuyên bố sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với Sài Gòn nhưng đáng tiếc, một lần nữa yêu cầu này không được nhà cầm quyền Sài Gòn đáp ứng. Trước nguy cơ cuộc tổng tuyển cử tự do thống nhất hai miền Nam - Bắc theo Hiệp định Genève bị phía Sài Gòn vi phạm, chúng ta tiếp tục gửi thư cho 2 đồng chủ tịch hội nghị (Anh - Liên Xô) yêu cầu ứng phó và vạch rõ sự ràng buộc đối với chính quyền Sài Gòn. Hai đồng chủ tịch đã sao các bức thư của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi các nước tham dự hội nghị và các nước trong Ủy ban Quốc tế, yêu cầu nhận xét và mở lại Hội nghị Genève. Trước tình hình đó, chúng ta đồng ý mở lại hội nghị, quyết thực hiện cho bằng được sự thống nhất hai miền đất nước bằng giải pháp hòa bình.

 

Cũng xin nói thêm rằng, trong khi tiến trình yêu cầu thực hiện tổng tuyển cử vẫn tiếp diễn, chúng ta đã cố tái lập quan hệ thương mại giữa 2 miền, để giúp “Nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân” nhưng Ngô Đình Diệm đã cự tuyệt.

 

Tháng 7/1956, sau những yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, chúng ta lại một lần nữa yêu cầu các đồng chủ tịch Hội nghị Genève tổ chức một cuộc hội nghị mới. Yêu cầu này được tiếp tục vào tháng 8/1956 nhưng tất cả sự cố gắng của chúng ta đều trở nên vô nghĩa.

 

Không nản chí dù biết rằng cuộc tổng tuyển cử đã bị chính quyền Sài Gòn tẩy chay, nhưng thống nhất đất nước là nhiệm vụ sống còn, là khát khao cháy bỏng của Nhân dân nên chúng ta đành phải nhẫn nhịn, kiên trì theo đuổi đến cùng. Những năm sau đó, chúng ta vẫn tiếp tục gửi yêu cầu đàm phán với chính quyền Ngô Đình Diệm. Cụ thể là vào tháng 6 và 7/1957, tháng 3 và 12/1958, tháng 7/1959, tháng 7/1960, nhưng tất cả đều bị từ chối. Đầu năm 1961, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc bấy giờ đã gửi công hàm cho 2 chủ tịch Hội nghị Genève nêu rõ: “Về phần mình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn chủ trương tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành hiệp nghị Genève vì lợi ích của Nhân dân Việt Nam, đồng thời vì lợi ích của hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

 

Trong khi chúng ta làm tất cả những gì có thể làm được để thực thi cho được cuộc tổng tuyển cử nhằm thống nhất đất nước theo thời gian đã định, thì chính quyền Ngô Đình Diệm ráo riết mở Chiến dịch Tố cộng, diệt cộng ngay từ mùa hè năm 1955 (sau Hội nghị Genève chưa đầy 1 năm). Chiến dịch tàn khốc và đẫm máu này đã giết và bắt bớ hàng ngàn người, trong đó có cả những người dân vô tội. Chúng lập lên hàng ngàn nhà tù, lê máy chém đi khắp hang cùng ngõ hẻm với tuyên bố thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Sự bội ước cùng với hành động dã man đó đã buộc Nhân dân miền Nam một lần nữa đứng lên diệt ác, phá kìm và tập hợp các đơn vị vũ trang chiến đấu cho đến ngày thống nhất non sông.

 

Từ những chứng cứ lịch sử trên, ai đã bội ước, ai đã không nghiêm túc thực thi tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève thống nhất đất nước trong hòa bình; ai là kẻ bóp cò súng lệnh mở màn tái diễn chiến tranh; ai biến ranh giới tạm thời 2 năm thành chiến tuyến chia cắt hai miền trong suốt 20 năm; ai đã làm cho dòng sông Bến Hải hiền hòa phải quặn đau, nhuộm đỏ máu người?

 

Trong suốt 20 năm kể từ ngày kẻ bên kia chiến tuyến bội ước, toàn miền Nam hiếm có ngày thôi lửa khói. Miền Bắc bị dập vùi bởi hàng vạn tấn bom. Và hậu quả cho sự bội ước đó là gần 2 triệu thường dân chết, hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời, khoảng 2 triệu người phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại, khoảng 1,1 triệu liệt sĩ, 600.000 thương bệnh binh, 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Về phía chính quyền Sài Gòn, không dưới 250.000 người tử trận và hơn 1,1 triệu người bị thương tật. Mỹ và các đồng minh, số thương vong không dưới 365.157 người, trong đó có 58.168 người tử trận; 1.875 người mất tích.

 

Những con số đáng buồn nêu trên là nỗi đau, nỗi ám ảnh lương tri nhân loại và kẻ tội đồ không ai khác chính là kẻ đã dã tâm bội ước, cố tình không thực thi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà trong hòa bình theo Hiệp định Genève.

 

Khát vọng độc lập, thống nhất đất nước, giữ vẹn chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm đối với mọi quốc gia, dân tộc; chiến đấu, hy sinh để bảo vệ sự thiêng liêng ấy khi giải pháp hòa bình bị cự tuyệt là sự chiến đấu, hy sinh chính nghĩa mãi được tôn thờ. 68 năm trôi qua kể từ ngày Hiệp định Genève được ký kết, lịch sử đã sang trang. 47 năm rồi, Việt Nam không còn chia cắt, đôi bờ chiến tuyến xưa giờ chỉ còn là quá vãng đau buồn; những cựu thù xưa bây giờ đã là bạn, đang cùng hướng tới một tương lai rạng ngời phía trước. Hỡi những kẻ đang tự dìm mình trong bóng tối hãy đừng gợi lại nỗi niềm ân oán, bởi đất nước mình quá nhiều rồi nước mắt và đau thương.

 

VĂN TÒA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek