Trước thềm Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đồng Xuân lần thứ IV năm 2024, Báo Phú Yên ghi lại tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu tham dự đại hội.
ÔNG LA O ĐOÀN (MA VIỆT), NGƯỜI CÓ UY TÍN THÔN SUỐI CỐI 2, XÃ XUÂN QUANG 1:
Đảng, Nhà nước lo cho bà con đồng bào rất nhiều
Từ khi giải phóng đến nay, nhờ có Đảng, Nhà nước mà cộng đồng người Chăm, Ba Na ở Suối Cối nói riêng và cộng đồng các DTTS toàn huyện nói chung đã có rất nhiều khởi sắc. Không chỉ được đầu tư về cơ sở hạ tầng, Nhà nước còn tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhờ có Đảng mà trẻ em DTTS được đến trường; người bị bệnh tới bệnh viện để được chữa trị; người không có đất ở thì được hỗ trợ đất, xây dựng nhà ở, cho con bò, con bê để phát triển kinh tế.
Là một đảng viên, cũng là một người DTTS tiêu biểu, tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, trên thực tế, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, ảnh hưởng đến nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế của người dân. Nhiều thanh niên trong làng không có đất sản xuất nên phải rời quê hương đi làm ăn xa.
Trong giai đoạn tới, tôi kỳ vọng Chính phủ, địa phương tiếp tục có nhiều chương trình, chính sách chăm lo cho cộng đồng DTTS; trong đó quan tâm đến việc tạo quỹ đất sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất để tạo công ăn việc làm, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính quê hương mình.
ĐẠI ÚY LA LAN HOÀNG, PHÓ TRƯỞNG CÔNG AN XÃ PHÚ MỠ:
Giữ vững bình yên cho buôn làng
Phú Mỡ có hơn 98% người đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là người Chăm, Ba Na. Những năm qua, Công an xã Phú Mỡ đã phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội liên tục tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Nhiều chương trình, chính sách được triển khai, đời sống kinh tế của bà con không ngừng ổn định và phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao.
Bản thân tôi luôn xác định mình phải tiên phong, gương mẫu; tích cực lan tỏa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách chăm lo, phát triển KT-XH trong vùng đồng bào DTTS và miền núi để mọi người dân hiểu và tự nguyện làm theo. Đồng thời nhắc nhở bà con sống và làm việc theo pháp luật, nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước; nỗ lực gìn giữ tình hình ANTT, giữ vững thế trận lòng dân, góp phần chung vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ bình yên trên quê hương Phú Mỡ.
NGHỆ NHÂN LA VĂN HẠNH, THÔN XÍ THOẠI, XÃ XUÂN LÃNH:
Nỗ lực gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ba Na và Chăm ở Phú Yên. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng đã trở thành linh hồn, góp mặt vào mọi hoạt động trong đời sống tinh thần của người dân Xí Thoại.
Năm 2016, Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của thôn Xí Thoại được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm của người dân Xí Thoại trong việc bảo tồn, phát huy giá trị để nghệ thuật này có thể trở thành sản phẩm du lịch được nhiều người biết đến.
Những năm gần đây, Nhà nước đã xây dựng, tu sửa các nhà rông, nhà văn hóa của thôn, buôn; hỗ trợ kinh phí mua sắm mới, bổ sung các bộ trống, cồng chiêng và tổ chức các chương trình ngày hội văn hóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao các dân tộc... Các hoạt động này góp phần giúp bà con đồng bào DTTS bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Bên cạnh đó, thôn Xí Thoại cũng đang rất nỗ lực đào tạo, truyền dạy nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho các thế hệ trẻ.
Trong giai đoạn tới, tôi kỳ vọng Chính phủ, địa phương tiếp tục có nhiều chương trình, chính sách chăm lo cho cộng đồng DTTS; trong đó quan tâm đến việc tạo quỹ đất sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất để tạo công ăn việc làm, tạo động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững trên chính quê hương mình. |
BÀ MANG THỊ ÚT, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG MẦM NON XUÂN LÃNH:
Cần nhiều sự quan tâm hơn cho trẻ em DTTS
Thời gian qua, thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi chuyển biến tích cực. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời, khuyến khích công tác dạy và học.
Xuân Lãnh là địa bàn đặc biệt khó khăn, trong đó có 4 thôn người đồng bào DTTS. Trường mầm non Xuân Lãnh có 1 điểm chính và 7 điểm trường lẻ tại các thôn trên toàn xã. Các điểm trường đều được trang bị cơ bản về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học để đảm bảo cho trẻ em đến trường. Địa phương và nhà trường thường xuyên lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi và cho trẻ đi học đầy đủ.
Trong giai đoạn mới, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi; đặc biệt là ưu tiên nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực.
ÔNG LÊ VĂN HƯỜNG, XÃ ĐA LỘC:
Mỗi người dân có thể phát triển kinh tế ổn định
Đời sống người dân Đa Lộc chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp với cây keo, mía, sắn... Những năm gần đây, một số mô hình kinh tế, vườn mẫu nông thôn mới được một số hộ dân triển khai với mục tiêu thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế ổn định và bền vững hơn.
Là một người con của vùng đất Đa Lộc, lại được học chuyên ngành nông nghiệp nên tôi rất đam mê tìm tòi, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế mới. Tôi luôn trăn trở, suy nghĩ cần trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất để thử nghiệm và chia sẻ với bà con.
Hơn 10 năm qua, tôi đã thử nghiệm rất nhiều mô hình phát triển kinh tế, từ nuôi bò, nuôi dê, chồn hương và gần đây nhất là mô hình khép kín nuôi cá xen lúa. Mỗi mô hình kinh tế đều mang lại nguồn thu nhập ổn định, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Với các chương trình, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước triển khai trong thời gian qua, tôi tin rằng chỉ cần chịu khó làm ăn, mỗi người dân đều có điều kiện thoát nghèo, thậm chí làm giàu ngay chính trên quê hương mình.
NGÔ XUÂN (thực hiện)