Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Đồng Xuân lần thứ IV năm 2024 đánh dấu chặng đường phát triển của cộng đồng các dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Đội văn nghệ huyện Đồng Xuân biểu diễn, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Lễ hội Trống đôi - cồng ba - chiêng năm thôn Xí Thoại. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, cán bộ và Nhân dân quyết tâm đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh và thực hiện tốt chủ đề của đại hội: “Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Phát triển kinh tế, củng cố tình đoàn kết dân tộc
Vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện gồm 6 xã: Phú Mỡ, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Xuân Lãnh và Đa Lộc. Toàn huyện có 18 DTTS đang sinh sống ở 11/11 xã, thị trấn. Cuối năm 2023, đồng bào DTTS có 2.987 hộ với 10.780 khẩu, chiếm 19,5% dân số toàn huyện. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện.
Trong giai đoạn 2019-2024, các chính sách dân tộc và miền núi trên địa bàn huyện đã được triển khai đồng bộ, kịp thời và đạt được những kết quả đáng kể. Cụ thể, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2020, huyện Đồng Xuân được phân bổ gần 1,3 tỉ đồng giải quyết các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề cho 172 hộ nghèo. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2024, huyện được phân bổ trên 8,7 tỉ đồng cho 6 xã vùng đồng bào DTTS, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Đồng Xuân đã triển khai 10 dự án, với 11 tiểu dự án thành phần; tổng vốn phân bổ (giai đoạn 2021-2024) là 111,7 tỉ đồng. 187 công trình, dự án đã được đầu tư xây dựng; ưu tiên các nội dung mang tính cấp thiết như: nhà ở dân cư, nước sinh hoạt, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường dân sinh, mặt bằng dân cư, đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi nghề…
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc khác như chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025; Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025; các chính sách liên quan đến lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm; chính sách vay vốn đối với đồng bào DTTS; Dự án nâng cao thu nhập và đào tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2022-2025…
Hiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được cải thiện. Công tác giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 4%.
Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tiếp tục được nâng cao, văn hóa truyền thống của các DTTS được bảo tồn và phát huy; tình đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố, tăng cường. Kết quả này cũng góp phần quan trọng trong xây dựng xã về đích nông thôn mới và mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện.
Phấn đấu đạt được các mục tiêu giai đoạn mới
Trong giai đoạn 2024-2029, Đồng Xuân tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả huyện.
Cuối năm 2023, làng nghề Dệt thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh được công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Địa phương tiếp tục tổ chức, bố trí ổn định dân cư, đảm bảo xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng - xã hội đồng bộ, phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, TTATXH; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Đồng Xuân triển khai giải pháp phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2029
- Thu nhập bình quân của người DTTS bằng hoặc thấp hơn 1/2 bình quân chung của tỉnh và cả nước
- Giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (trừ xã Phú Mỡ)
- Trên 90% xã, thôn vùng DTTS được đảm bảo về cơ sở hạ tầng
- Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát đạt khoảng 90%
- Tỉ lệ trẻ em DTTS mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học, THCS đến trường đạt 100%
- 100% đồng bào DTTS tham gia BHYT
- Duy trì 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên
- Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030. |
Cụ thể, đối với sản xuất nông - lâm nghiệp, Đồng Xuân tập trung đầu tư xây dựng vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý. Địa phương định hướng cho bà con tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng; thực hiện giao đất, giao rừng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS, kiên quyết chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy trái phép.
Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sẽ gắn liền với việc bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống. Theo đó, huyện khai thác tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, địa phương chú trọng phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường QP-AN vùng đồng bào DTTS.
Đối với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện sẽ lồng ghép các nguồn lực thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư công trình giao thông nông thôn; đầu tư các công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, chợ nông thôn mới, trạm y tế, trường lớp đạt chuẩn… Chú trọng cải tạo, xây dựng mới các công trình thủy lợi nhỏ và công trình phục vụ nước sinh hoạt; duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng cơ sở đã đầu tư trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS, Đồng Xuân nỗ lực xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS; tiếp tục bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp; nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở những xã, thôn vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống.
TRẦN QUỐC HUY
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đồng Xuân