Sông Hinh là huyện miền núi với gần 50% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Xuất phát điểm thấp, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, địa phương đang tập trung nhiều chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.
Tự tin làm kinh tế
24 năm trước, Ea Lâm được biết đến là xã 7 không (không đường, không trường, không trạm xá, không chợ, không nước sạch, không điện và không trụ sở) của huyện Sông Hinh, với hơn 90% người đồng bào DTTS. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, diện mạo xã Ea Lâm nay đã đổi thay với đầy đủ công trình phúc lợi công cộng và đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Không chỉ đầu tư hạ tầng cơ sở, nhiều chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai đến người dân. Gần đây nhất là 2 công trình trạm bơm thủy lợi với vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng, giúp người dân bơm tưới lúa, ổn định lương thực.
Nay Quân, một người dân buôn Bai, xã Ea Lâm vừa thu hoạch 2 sào lúa năng suất cao vụ đông xuân tại cánh đồng công trình trạm bơm Ea Lâm 2, chia sẻ: “Bà con phấn khởi và cảm ơn Đảng, Nhà nước đầu tư kênh mương để làm lúa nước, bảo đảm lương thực”.
Cùng với xã Ea Lâm, các chính sách đầu tư phát triển cũng được triển khai đồng bộ đến tất cả địa phương trong huyện, và hiện diện trên các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Tiêu biểu, vườn sầu riêng 150 cây của gia đình ma Đuông, tại buôn Chung, xã Ea Bar luôn tươi tốt.
Hơn 6 năm trước, trong lúc loay hoay tìm cây trồng phù hợp cho hơn 1ha đất, ma Đuông được cán bộ xã tuyên truyền về chủ trương phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái của huyện và mạnh dạn tham gia. Nhận hỗ trợ cây giống chất lượng, cùng sự chăm sóc tỉ mỉ, sầu riêng nay đã kết trái, mở ra triển vọng lớn cho gia đình ma Đuông.
“Lúc đầu hơi lo lắng, nhưng được cán bộ huyện nhiệt tình hướng dẫn, tôi tự tin hơn hẳn. Hiện một số gia đình trong buôn đến vườn sầu riêng nhà tôi học tập kinh nghiệm để đầu tư trồng loại cây này”, ma Đuông nói.
Phát huy các chương trình mục tiêu quốc gia
Theo Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, vườn sầu riêng của ma Đuông nằm trong chương trình xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện. Với chương trình này, mỗi năm huyện đầu tư 1 tỉ đồng hỗ trợ giống, kỹ thuật, một phần vật tư cho các mô hình, từ đó hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo đúng định hướng của huyện với trên 1.700ha.
Cùng với đó, 16.000ha sắn, mía (chiếm 70% tổng diện tích các loại cây trồng hàng năm) được gắn kết với các nhà máy chế biến thông qua hợp đồng đầu tư, thu mua nguyên liệu, giúp bà con yên tâm đầu tư, sản xuất.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Thời gian qua, huyện Sông Hinh tập trung đầu tư cho vùng DTTS và miền núi như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sạch phục vụ đời sống bà con nhân dân. Đời sống đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến, mức sống được nâng lên đáng kể.
Hiện nay, địa phương đẩy nhanh triển khai, lồng ghép chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với các chính sách của huyện đã đề ra, địa phương tin tưởng đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian đến.
“Là địa phương có điểm xuất phát thấp, nay Sông Hinh đã có nhiều đổi thay. 3 năm gần đây, tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 2,3% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 43 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; tình hình an ninh, chính trị được giữ vững ổn định… Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả đó là niềm tự hào, phấn khởi, là động lực để người dân miền núi Sông Hinh quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết cùng Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”, ông Đinh Ngọc Dạn phấn khởi nói.
VĂN THÙY