6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình). Báo Phú Yên phỏng vấn ông Trương Văn Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình và những nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm.
* Thưa ông, 6 tháng qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng các ngành, địa phương đã tập trung vào những nhiệm vụ gì để đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình?
- Giai đoạn 2021-2025, Phú Yên được phân bổ hơn 323 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để thực hiện Chương trình. Trong đó, năm 2022 được giao hơn 105 tỉ đồng, nhưng chưa giải ngân hết, khoảng 90 tỉ đồng đã được chuyển giao thực hiện đến 31/12/2023. Năm 2023, Phú Yên tiếp tục được phân bổ hơn 205 tỉ đồng để thực hiện Chương trình này.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai 10 dự án trực thuộc Chương trình. Trong đó, một số tiểu dự án, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hoặc được khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng. Một số dự án, tiểu dự án khác vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên các địa phương chưa thể giải ngân. Đến nay, các địa phương đã giải ngân được hơn 8,2 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn năm 2022 chuyển sang. Lũy kế giải ngân vốn thuộc Chương trình đến thời điểm này hơn 24,9 tỉ đồng.
Ông Trương Văn Phương |
* Việc Chương trình triển khai trong thời gian qua đã góp phần thay đổi đời sống bà con đồng bào DTTS-MN như thế nào, thưa ông?
- Chương trình này cùng với một số chương trình, chính sách dân tộc khác được triển khai trong thời gian qua đã góp phần cải thiện tình hình kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào DTTS-MN. Kết cấu hạ tầng vùng DTTS-MN ngày càng phát triển; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên; văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể được chú trọng. Hiện tất cả thôn, buôn và trường học trên địa bàn đều có chi bộ đảng, đảng viên là người DTTS chiếm 5,3% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Nhân dân nói chung, bà con DTTS nói riêng luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến năm 2022, số hộ nghèo vùng DTTS-MN của tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 là 5.092 hộ, chiếm tỉ lệ 17,59% tổng số hộ trên toàn vùng. Tổng số hộ nghèo DTTS là 4.568 hộ, chiếm 42,37% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 27,57% so với hộ DTTS trên địa bàn.
* Xin ông cho biết quá trình thực hiện Chương trình đã gặp những khó khăn gì?
- Khó khăn nhất hiện nay vẫn còn một số bộ, ngành trung ương chưa xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn bảo đảm cho việc vận hành Chương trình. Vì thế công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thuộc Chương trình còn rất lúng túng. Tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình của tỉnh vẫn chưa kịp thời, đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, năm 2023.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương vẫn chưa đồng bộ, dẫn đến tiến độ triển khai Chương trình còn chậm. Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương còn lúng túng. Trình độ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án được giao.
Đặc biệt, việc triển khai nội dung Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS-MN (thuộc tiểu dự án 2 của Dự án 3) rất khó khăn hoặc hiệu quả thấp. Nguyên nhân là do vùng DTTS-MN của tỉnh hiện có rất ít sản phẩm được sản xuất theo quy mô hàng hóa, nên khi triển khai việc thu thập thông tin về hàng hóa để tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng rất khó khăn. Thậm chí, qua khảo sát trực tiếp, một số địa bàn không có sản phẩm để tham gia.
* Thời gian tới, Ban Dân tộc tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình này, thưa ông?
- Ban Dân tộc sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương ưu tiên vốn và huy động các nguồn lực phối hợp lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương với nguồn vốn địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào DTTS-MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Ban Dân tộc cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác; tham mưu xây dựng quy định quản lý, bảo trì, mức phí bảo trì, hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án. Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị các cơ quan thường trực các chương trình mục tiêu, các sở, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình kết quả thực hiện kế hoạch thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách dân tộc có liên quan đến vùng dân tộc, miền núi; kịp thời nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS; tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN.
Các địa phương có xã miền núi và đồng bào DTTS cần phối hợp với Ban Dân tộc, các ngành liên quan chủ động xây dựng chương trình, đề án cụ thể; đề ra mục tiêu, lộ trình giải pháp phù hợp cho từng năm và cả giai đoạn để thực hiện hiệu quả các chương trình. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn, thoát khỏi tình trạng khó khăn và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Các ban ngành, địa phương cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực được phân công; chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm các nguồn vốn sử dụng được hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)